Kỹ thuật khai thác ngán của người dân ven biển khá đơn giản, chủ yếu là sử dụng kinh nghiệm và kỹ năng của cá nhân để phát hiện ổ ngán và bắt ngán.

Dụng cụ khai thác ngán

Que xăm ngán: Que xăm ngán (còn được gọi là thuổng) là một que dài khoảng 1m được làm bằng sắt, một đầu có cán cầm bằng gỗ hoặc kim loại. Phần đầu còn lại của que xăm được làm dẹt hình muỗng.

Dụng cụ hỗ trợ: Ngoài dụng cụ khai thác chính là que xăm ngán thì người khai thác ngán có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ khác bao gồm: quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động, thuyền gỗ hoặc mùng để di chuyển, túi lưới, giỏ sọt, xô chậu hoặc thùng để chứa con ngán trong quá trình đánh bắt.

Que xăm - dụng cụ khai thác ngán.
Que xăm - dụng cụ khai thác ngán.

Cách xác định ổ ngán

Do ngán sinh sống ở dưới lớp bùn lầy, độ sâu của ngán tùy thuộc vào từng thời điểm và điều kiện sinh sống, vì vậy để bắt được con ngán người khai thác phải xác định được vị trí của ổ ngán (nơi ngán sinh sống). Để xác định ổ ngán, người dân có hai cách:

Việc xác định nơi ngán sinh sống thông qua quan sát các lỗ sủi tăm: các lỗ sủi tăm này thường là các bọt khí sủi lăn tăn trên bề mặt vũng nướcđọng lại trên bãi khai thác lúc triều đã rút cạn.

Xác định vị trí ổ ngán thông qua khứu giác: nhiều người dân có thời gian khai thác ngán lâu năm, họ có thể sử dụng khứu giác (ngửi) để xác định mùi bùn, nếu mùi bùn có mùi đặc trưng của con ngán thì khu vực đó sẽ có ngán sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có những người có kinh nghiệm thì mới sử dụng được kỹ thuật này.

Người dân đi bắt Ngán ở những bãi triều. Ảnh: Quangyen.
Người dân đi bắt Ngán ở những bãi triều. Ảnh: Quangyen.

Kỹ thuật bắt ngán

Sau khi xác định được ổ ngán (vùng có ngán), người khai thác dùng xăm chọc để cày xuống đất bùn hoặc đâm chọc xuống đất bùn khoảng 0,5 m để phát hiện ra ngán trong phạm vi khoảng 30 cm2 để xác định xem có ngán hay không (hình 46). Kỹ thuật xăm ngán cần khéo léo, lúc đầu có thể xăm nhanh nhưng khi đạt độ sâu khoảng 30 cm thì giảm tốc độ đưa que xăm từ từ xuống để tránh làm vỡ vỏ ngán. Khi chạm tới vỏ ngán hoặc nghe thấy tiếng va chạm thì rút que xăm chọc lên để tiến hành moi ngán lên.

Sau đó, người khai thác dùng tay để móc ngán. Khi đưa tay xuống, bàn tay khum lại và luồn nhẹ nhàng xuống dọc theo lỗ sủi tăm đến khi chạm vào vỏ ngán thì xòe bàn tay nắm chặt lấy con ngán, sau đó rút nhanh lên để tránh kéo nhiều bùn đi theo. Dùng tay lau nhẹ lớp bùn đất bên ngoài, có thể dùng nước ngay tại bãi khai thác để rửa hoặc ngâm ngán.