Đến thời điểm cuối tháng 11, vườn nhãn muộn nhà ông Nguyễn Văn Cảnh (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) được trồng theo quy trình do ông nghiên cứu cách đây nhiều năm vẫn còn khoảng 200kg với giá bán tại vườn từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, gấp đôi so với chính vụ.

Dựa vào thời tiết để tính toán kỹ thuật

Từ 5 năm trở lại đây, nhãn muộn cho quả vào khoảng tháng 10 hằng năm đã trở thành đặc sản của Hưng Yên. Năm nay, do thời tiết thay đổi đặc biệt với điều kiện nền nhiệt ấm diễn ra trong cả mùa Xuân nên vụ nhãn của các gia đình như ông Nguyễn Văn Cảnh kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11.

Vườn nhãn của gia đình ông Cảnh có diện tích khoảng 2,5ha, được rải vụ đều, chia thành các đợt nhãn sớm, nhãn chính vụ và nhãn muộn. Với diện tích 0,5ha nhãn trái vụ, năm nay gia đình ông thu hoạch 6-7 tấn, mang lại thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng. Nhãn của ông thường được đổ buôn cho các thương lái mang về Hà Nội tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc siêu thị lớn. Tại hội chợ nông sản tại Hà Nội, diễn ra khoảng đầu tháng 11 vừa qua, “những người ăn thử đều khen trái nhãn muộn giòn ngọt, không thua kém nhãn chính vụ” – ông Cảnh hồ hởi kể lại.

Trong nhiều năm làm nghề trồng nhãn, với 2,5 ha chuyên canh trồng nhãn đặc sản, ông Cảnh thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Vì thế, nhiều năm qua ông đã bắt tay nghiên cứu quy trình trồng nhãn sớm và nhãn muộn với mục đích rải vụ, nâng cao thu nhập do nhãn trái vụ bao giờ cũng có giá cao hơn.

“Quan trọng nhất là người làm vườn phải nắm được kỹ thuật trồng kết hợp với việc nắm bắt sự thay đổi thời tiết để có kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Bằng cách này, tôi điều chỉnh thời gian ra lộc, ngủ đông hay ra hoa, kết trái theo ý mình. Nếu muốn nhãn ra sớm thì từ rằm tháng 9 âm lịch phải xử lý chăm cây, kích thích thì đến tháng 5 sẽ có nhãn. Nếu muốn nhãn muộn thì gần tháng 12 bắt đầu xử lý. Bên cạnh đó, tùy theo ý khách thích nhãn có độ ngọt sắc hay ngọt vừa phải, ông sẽ điều chỉnh bằng việc bón ka-li” – ông Cảnh nói.

Ông Nguyễn Văn Cảnh bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Thanh Sơn

Do thời tiết năm 2017 ấm nóng từ Đông sang Xuân kéo dài nên độ phát dục của nhãn không cao, hoa ít. Vì thế, ông phải kích thích ra hoa bằng phương pháp tưới nước, khoanh tiện và phun trên lá. Theo ông Cảnh, việc nắm được tình hình thời tiết để có phương án xử lý cụ thể là điều quan trọng quyết định đến sự thành công của một vụ nhãn sớm hay muộn.

Ở Hưng Yên, những vườn nhãn muộn như gia đình ông Cảnh không phải hiếm. Nhiều gia đình cũng làm và đạt được kết quả tốt như gia đình Phạm Hải Hồ (Phường Lam Sơn, Hưng Yên), ông Hoàng Quang Tuấn (Khoái Châu, Hưng Yên)…

Cần thử nghiệm dần dần

Khoe về vườn nhãn của mình, ông Cảnh cho biết, vườn nhãn của ông chính là nơi cung cấp 1,5 tấn nhãn phục vụ cho đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010 và được mang đi giới thiệu ở nhiều hội chợ, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, sản vật địa phương. Tuy nhiên, theo ông Cảnh, muốn khuyến khích bà con nông dân thực hiện điều khiển để cây ra hoa kết trái sớm hay muộn cần hướng dẫn họ nắm chắc quy trình sinh trưởng và phát triển của nhãn.

“Tôi đã mất 5 năm mới tự tin thực hiện trên diện tích 0,5ha. Vì thế, bà con cần thử nghiệm dần dần, từ 1-2 cây trước, nếu thấy thành công mới tiếp tục nhân rộng. Ngoài ra, nếu thời tiết thay đổi khác lạ, cần có sự tính toán cụ thể, tránh tình trạng mất vụ do xử lý không đúng” – ông Cảnh nói.


Đánh giá về mặt kỹ thuật chăm sóc cho vụ nhãn muộn, theo ông Lê Xuân Thủy - Trung tâm giống cây trồng (Khoa Công nghệ sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam), đa số nhãn trái vụ được xử lý ra hoa bằng chế phẩm Kaliclorat, kết hợp với khoanh vỏ và thân cành. Quả nhãn trái vụ có kích thước bằng ¾ quả chính vụ nhưng bệnh tồn dư trên vỏ nhãn rất ít, do không khí hanh khô, độ ẩm thấp. Việc bảo quản nhãn cũng dễ hơn do thời tiết lạnh. Nhưng việc điều khiển nhãn ra hoa trái vụ là đi ngược lại quy luật sinh trưởng phát triển của cây.

Bình thường, quả đúng vụ sẽ cho trái vào tháng 7-8 hằng năm. Sau khi thu hoạch và cắt tỉa cành, cây sẽ tích lũy dinh dưỡng trong thân để ra giêng bật lộc mới. Tuy nhiên, với cây nhãn muộn, do đến tháng 12 mới bắt đầu xử lý tỉa cành, nên thời gian tích lũy dinh dưỡng của cây ngắn, nên sẽ kém phát triển. Người dân xử lý bằng cách bón phân và kích thích cây nảy mầm, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, cây dễ bị thoái hóa sau vài năm.

“Với các cây đặc sản của vùng, tôi không khuyến cáo bà con sử dụng phương pháp này. Nếu muốn trồng nhãn muộn, bà con có thể sử dụng giống nhãn muộn – giống nhãn chọn lọc tự nhiên, đột biến gene sau một thời gian dài, để thích nghi với quá trình sinh trưởng. Giống này không cần sự tác động từ bên ngoài và đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng cao” - ông Thủy nói.