Trước đây, người nông dân Đắk Tô chỉ biết gắn bó với cây lúa, cây mì, cây bắp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây cao su được xác định là cây trồng chủ lực, mở hướng thoát nghèo bền vững….

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2003, huyện ĐắkTô đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tận dụng, tích cực khai hoang những diện tích đất trống, chuyển đổi các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây cao su.

Ban đầu, huyện chủ trương đưa cây cao su vào trồng ở những xã có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai như thị trấn ĐắkTô, xã Diên Bình, Kon Đào… Tuy nhiên, lúc đó, nhiều hộ gia đình vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại, thêm vào đó, thời gian cho thu hoạch của cây cao su khá dài, vốn đầu tư nhiều nên người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư.

kon-tum-phat-trien-cao-su-tieu-dien-o-dak-to-huong-thoat-ngheo-ben-vung

Người dân Đắk Tô chăm sóc cao su tiểu điền. Ảnh: X.A

Sau một thời gian đưa vào trồng, cây cao su phát triển xanh tốt, cộng với hiệu quả kinh tế mà cây mì xen canh mang lại đã củng cố niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ giống, vốn của các chương trình 135, 147, 168, dự án giảm nghèo miền Trung…; Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được vay vốn đầu tư cho sản xuất; Trung tâm Khuyến nông – Khuyến công của huyện cũng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… cây cao su đã phát triển đại trà trên tất cả 9 xã, thị trấn của huyện. Đến nay, diện tích cây cao su của ĐắkTô đã lên tới hơn 7.540ha; trong đó, khoảng 3.400ha cho khai thác mủ, năng suất đạt 13 tạ/ha, sản lượng đạt gần 4.430 tấn.

Nhờ cây cao su, nhiều hộ gia đình trong huyện đã thoát nghèo, thu nhập hàng năm từ 40 đến 50 triệu đồng. Điển hình như gia đình anh A Niêm ở thôn Kon Đào 1 (xã Kon Đào), đã chuyển đổi gần 2ha mì sang trồng cao su tiểu điền. Hiện nay, vườn cao su của gia đình anh đã gần 10 năm và đang cho khai thác. Anh tâm sự: Nếu giá mủ cao su cao hơn hiện nay, chắc chắn đời sống của gia đình tôi sẽ khá giả hơn…

Hộ chị Y Xuân (thôn 5, xã Diên Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha mì sang trồng cao su, đến nay cao su đã cho khai thác, thu nhập bình quân hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng.

A Phút – Trưởng thôn Kon Đào 1 hào hứng khoe với chúng tôi: Hiện trong thôn có hơn 100 hộ, trong đó hơn 50 hộ trồng được từ 1 đến 2ha cao su. Từ năm 2010 đến nay, hàng chục hộ thoát nghèo nhờ trồng cao su, trong thôn chỉ còn vài hộ nghèo…

Để phát triển nhanh diện tích cây cao su tiểu điền, trong thời gian tới huyện Đăk Tô tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, thay một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây cao su; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho khai hoang, trồng mới, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng cũng như tư vấn, cung cấp dịch vụ giống, bảo đảm giống có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng…