Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020 là phát triển các doanh nghiệp KH&CN - nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Bình nêu kiến nghị “Hải Dương sẽ quy hoạch, xây dựng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) và hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học hiện đại. Đề nghị Nhà nước tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phát triển NNƯDCNC, ưu đãi các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp, nông thôn”. Đồng thời ông cũng cho biết, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020 là phát triển các doanh nghiệp KH&CN - nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 5 doanh nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, trong đó 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Mô hình lúa sơn lâm 2 tại xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Ảnh: Hải Ninh

Theo ông Bình, hiện các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, chuyển giao cho người dân các tiến bộ mới về giống cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhiều vùng đã sản xuất hàng hóa tập trung. Một số giống lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản mới đã được sản xuất thử thành công, làm cơ sở để bổ sung vào cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ.

Với cây lúa, Hải Dương đã xây dựng thành công các mô hình trình diễn 10 giống lúa thuần mới (trong đó có các giống Gia Lộc 105, gương cốm 4, bắc thơm 9, thuần Việt 1...). Kết quả, các mô hình này cho năng suất cao hơn mô hình đối chứng từ 15-20%.

Với rau màu, nhiều giống mới cũng đã được địa phương đưa vào sản xuất thử thành công như các giống dưa hấu lai F1AD779 và F1Sunny, dưa chuột hạ xanh chịu nóng, cà chua VT5,VT10, dưa kim cô nương, kim hoàng hậu. Tỉnh cũng đã phát triển mô hình liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến sơ chế, tiêu thụ đối với một số sản phẩm cây rau màu.

Cũng theo ông Bình, trong giai đoạn 2017-2020, Hải Dương muốn phát triển các doanh nghiệp KH&CN, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao; quy hoạch và xây dựng các dự án hoạt động trong lĩnh vực NNƯDCNC và hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học hiện đại.

Để đạt mục tiêu đó, ông Bình mong muốn Nhà nước tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phát triển NNƯDCNC, quan tâm đến chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Đề nghị Bộ KH&CN tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho tỉnh Hải Dương để có đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao hiệu quả các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống” - ông Bình kiến nghị.