Ghẹ xanh (Portunus pelagicus) là đối tượng đặc sản biển có giá trị dinh dưỡng và thương phẩm cao, có tiềm năng quan trọng đối với nuôi trồng và khai thác thủy sản, đây là loài giáp xác được phân bố khá rộng ở các vùng biển từ Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương

Do nhu cầu tiêu thụ nhiều nên cường độ khai thác ngày một tăng cao, dẫn đến nguồn lợi ghẹ xanh trong tự nhiên đang có xu hướng suy giảm, tổng sản lượng ghẹ xanh khai thác tại vùng biển Kiên Giang năm 2014 đạt 6,2 nghìn tấn (giảm 20,5% so với năm 2013), trong đó sản lượng chủ yếu là ghẹ xanh chưa thành thục hoặc có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép đánh bắt là nguyên nhân làm nguồn lợi ghẹ xanh tự nhiên tại vùng biển Kiên Giang có nguy cơ bị suy giảm rõ rệt (Viện Nghiên cứu Hải sản, 2015).


Từ những yêu lý do trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang được Hội đồng KH&CN tỉnh Kiên Giang chọn là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm ương giống và nuôi ghẹ xanh (Portunus pelagicus) thương phẩm tại tỉnh Kiên Giang” và KS Võ Minh Hiền làm chủ nhiệm, nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi có giá trị cao, đồng thời góp phần giảm áp lực đối với nguồn lợi ghẹ xanh tự nhiên, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nghề nuôi ghẹ xanh bền vững trong tương lai.

Sau thời gian nghiên cứu, vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu đề tài nêu trên.

Mục tiêu và nội dung chính của đề tài là: Đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, bảo tồn và phát triển loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế tại địa phương. Nghiên cứu sản xuất giống nhằm chủ động nguồn con giống ghẹ xanh có chất lượng tốt để phục vụ nuôi thương phẩm, phát triển kinh tế và hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể; nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần bảo vệ nguồn lợi ghẹ xanh tại Kiên Giang.

Kết quả nghiên cứu của đề tài: (i) Đã nghiên cứu ương giống ghẹ xanh ở các giai đoạn từ zoae1 đến zoae2 với các mật độ khác nhau, xác định mật độ ương tối ưu để áp dụng vào sản xuất giống phục vụ cho nuôi thương phẩm; (ii) Đã xây dựng quy trình ương giống ghẹ xanh từ giai đoạn ấu trùng zoae1 đến zoae2; (iii) Đã xây dựng qui trình nuôi ghẹ xanh thương phẩm theo hình thức quảng canh cải tiến trong ao đất với 2 mật độ khác nhau là 2 con/m2 và 5 con/m2; (iv) Đã đào tạo được 4 kỹ thuật viên làm chủ quy trình và tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho 40 lượt cán bộ và người dân địa phương.

Tại buổi họp các thành viên Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Nhóm thực hiện đề tài. Thay mặt Hội đồng, ông Nguyễn Thái Nguyên kết luận: Đề tài đã triển khai đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng được mục tiêu đề ra, có giá trị thực tiễn và khoa học và có khả năng ứng dụng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên để báo cáo hoàn thiện hơn, Chủ nhiệm đề tài cần bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, viết lại theo hướng khẳng định các kết quả đề tài đã đạt được, bổ sung số liệu về đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn và đào tạo sau đại học; tập trung kiến nghị những vấn đề còn hạn chế của đề tài để giải quyết trong những nghiên cứu tiếp theo; rà soát, bổ sung đầy đủ các tài liệu được trích dẫn trong nội dung báo cáo và lược bỏ các tài liệu không được trích dẫn.

Hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu tương đối tốt, với kết quả xếp loại Đạt và thống nhất cho nghiệm thu đề tài.