Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong sáu khu vực ưu tiên sinh thái trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học của thế giới. U Minh Thượng được xem là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao nhất ở ĐBSCL (Safford et al., 1998).


Năm 2013, Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang được công nhận là Vườn di sản ASEAN thứ 5 của Việt Nam và là Vườn di sản ASEAN đầu tiên về đất than bùn của khu vực. Năm 2016, VQG U Minh Thượng chính thức được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới. Chính hệ sinh thái phong phú và đặc trưng làm cho khu hệ cá nơi đây đa dạng và có thể mang những đặc điểm riêng biệt so với các vùng ngập nước khác ở ĐBSCL. Tuy nhiên, trước những tác động làm suy giảm đa dạng sinh học, cả hai mức độ giảm thành phần loài và đa dạng di truyền, đặc biệt cho nhiều loài cá.

Nhận thấy nguy cơ đó, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đặt hàng đề tài “Nghiên cứu biện pháp quản lý và phục hồi một số loài thủy sản quý cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang” nhằm đề ra những biện pháp cụ thể trong quản lý và khôi phục các loài thủy sản quan trọng của VQG U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.


Kết quả mở hồ sơ đề tài này có 1 hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn là Trường Đại Cần Thơ. Hội đồng tư vấn KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh đã xem xét, đánh giá, tuyển chọn đơn vị chủ trì và thông qua thuyết minh đề cương đề tài tại Phòng họp Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang. Kết quả bỏ phiếu đã xác định Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chủ trì và PGS.TS Dương Thúy Yên làm chủ nhiệm.


Các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong thuyết minh đề cương như: Sửa tên đề tài thành “Nghiên cứu biện pháp quản lý và phục hồi một số loài cá quý có giá trị kinh tế tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang”. Đề tài thực hiện trong 24 tháng; Phần tổng quan tình hình nghiên cứu: Cần tổng quan thêm về vùng đệm U Minh Thượng, khu vực nghiên cứu gồm vùng lõi và vùng đệm thuộc địa phương nào, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nghiên cứu; Tính cấp thiết: Cần đánh giá sơ bộ về hiện trạng sản lượng khai thác, quản lý thủy sản tại VQG U Minh Thượng, thành phần loài có trong vùng nghiên cứu, loài nào có nguy cơ bị tuyệt chủng cao cần phải duy trì và bảo vệ.


Đề tài cần thực hiện 4 nội dung: (i) Điều tra, xác định thành phần loài và mức độ phong phú tương đối (CPUE) và khả năng phục hồi của các loài cá quý; công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của VQG U Minh Thượng; (ii) Đánh giá sự đa dạng di truyền một số loài cá quý, hiếm có nguy cơ cạn kiệt và các loài cá có giá trị kinh tế tại VQG U Minh Thượng; (iii) Đề xuất các biện pháp quản lý và phục hồi nguồn lợi cá quý, hiếm tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt và các loài cá có giá trị kinh tế tại VQG U Minh Thượng; (iv) Xây dựng mô hình triển khai một số biện pháp quản lý và thả tái tạo một số loài cá quý, hiếm có nguy cơ cạn kiệt và các loài cá có giá trị kinh tế cao vào nguồn lợi tự nhiên.


Dự kiến sản phẩm của đề tài gồm: (i) Bộ cơ sở dữ liệu điều tra, khảo sát về thành phần loài, mức độ phong phú tương đối, khả năng phục hồi của các loài cá quý và công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của VQG U Minh Thượng; (ii) Ba (3) báo cáo chuyên đề (Thành phần loài và sự đa dạng di truyền; các biện pháp quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên; kết quả triển khai mô hình quản lý và thả tái tạo một số loài cá quý, hiếm về VQG U Minh Thượng); (iii) Bốn mô hình triển khai một số biện pháp quản lý và thả tái tạo bốn đối tượng cá (sặc rằn, trê vàng, cá dày, rô biển); (iv) Tổ chức một (1) cuộc Hội thảo bàn về giải pháp tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 100 người, gồm lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và người dân địa phương; (v) Hai (2) bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước với chỉ số ISSN; (vi) Một (1) chuyên mục trên sóng Phát thanh và Truyền hình; (vii) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt của đề tài; (viii) USB chứa toàn bộ nội dung của đề tài.