Đưa sản phẩm hồi xứ Lạng lên kệ hàng châu Âu mà không phải qua khâu trung gian nào là tham vọng của Lạng Sơn khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.

Lạng Sơn đã hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu cho sản phẩm hồi.  Ảnh: Loan Lê
Lạng Sơn đã hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu cho sản phẩm hồi. Ảnh: Loan Lê

Thăng trầm cây hồi xứ Lạng

Kể câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hồi Lạng Sơn, ông Lê Minh Thanh- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn - chia sẻ: “Cây hồi ở đây đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc đắt giá không đủ để bán, nhiều lúc tưởng phải bỏ đi vì không có thị trường, bà con thất thu vì trượt giá. Đến năm 2007, chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ và trở thành tài sản quốc gia, thị trường hồi mới khởi sắc. Thế nhưng, hồi Lạng Sơn chủ yếu xuất khẩu đến Trung Quốc và một số nước Tây Âu chứ chưa được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại toàn châu Âu, mặc dù đây là thị trường tiềm năng nhất”.

Các sản phẩm muốn đưa được đến thị trường này phải trải qua những quy định ngặt nghèo về chất lượng cùng những rào cản trong thương mại, yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ủy quyền cho Sở KH&CN thực hiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ở châu Âu và một số nước tiếp nhận xuất khẩu hồi.

Cùng lúc đó, Bộ KH&CN có chủ trương hỗ trợ một số tỉnh đăng ký sản phẩm hồi ra nước ngoài và tập trung vào thị trường châu Âu. Nhờ vậy, Lạng Sơn may mắn có mặt trong danh sách của kế hoạch hỗ trợ đăng ký bảo hộ tại châu Âu và được sự giúp đỡ của dự án EU - Mutrap.

Cuối năm 2015, Sở KH&CN Lạng Sơn đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn tại châu Âu. Điều này giúp khẳng định thương hiệu và tránh sự xâm phạm quyền đối với sản phẩm hồi ở ngoài nước.

Bà con hết thấp thỏm

Bà Nguyễn Minh Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Lạng Sơn - chia sẻ: “Sản phẩm hồi có ứng dụng phong phú trong y - dược, ẩm thực, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt ở châu Âu họ ứng dụng rất nhiều như bánh kẹo hương vị hồi, chất giữ hương liệu cho nước hoa... nên tiềm năng ở thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường có kinh nghiệm về chỉ dẫn địa lý lâu đời. Để thâm nhập được mình phải điều chỉnh hệ thống vận hành chỉ dẫn địa lý để phù hợp với cơ chế quản lý của châu Âu, đặc biệt về khâu truy xuất nguồn gốc”.

Ghé thăm một khu chế biến hồi ven quốc lộ 1A đoạn qua huyện Chi Lăng - nơi có hơn 60 công nhân làm việc, có thể thấy sự khởi sắc rõ rệt của hồi xứ Lạng.

Bà Mông Thị Quyên (40 tuổi) - người trồng hồi và cũng là công nhân chế biến - hào hứng cho biết: “Trước đây khi chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý, dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn, sản xuất bấp bênh, nhiều khi thấp thỏm vì không có thị trường, được mùa thì mất giá. Mấy năm nay thị trường đã ổn định hơn, bà con phấn khởi lắm. Năm trước giá hồi tươi khoảng 10.000 đồng/kg, năm nay tăng thành 14.000 đồng/kg. Thêm nhiều người có việc làm, các hộ trồng hồi chúng tôi đã thoát nghèo”.

Theo bà Nguyễn Minh Hà, hồi xuất khẩu châu Âu phải là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc xuất xứ, màu sắc hoàn toàn tự nhiên. Loại hồi thượng hạng có 8 cánh nở to đều, không được đặt trực tiếp xuống đất sẽ được mua với giá cao gấp 10 lần giá thông thường.

Hiện người dân Lạng Sơn được đào tạo thêm về kỹ thuật trồng, cải tạo rừng hồi và chế biến. Những khu rừng hồi xanh biếc đang ngày một rộng ra với quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến sạch.

Tự giác tuân thủ các quy định chặt chẽ về chất lượng, người dân hy vọng hồi Lạng Sơn sẽ sớm có mặt trên các kệ hàng châu Âu mà không phải qua khâu trung gian bất nào.