Đây là nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố do ThS Nguyễn Anh Tuân - Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Hải Phòng làm chủ nhiệm được Sở KH&CN Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện mới đây.


Là thành phố lớn thứ ba cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với lợi thế cảng biển rất phát triển đồng thời là một trong những động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hải Phòng rất tích cực trong công tác kinh tế và văn hóa đối ngoại. Đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 22 địa phương thuộc 13 quốc gia trên thế giới, thiết lập quan hệ kinh tế thương mại với 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hải Phòng tham gia tích cực nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực như CITYNET, WCCD, OECD…, đồng thời vận động thành lập 13 tổ chức hội người Hải Phòng ở nước ngoài tại các nước: Pháp, Đức, Anh, Nga, Ba Lan, Séc, Canada…

Trước những thách thức mới từ bối cảnh trong nước và quốc tế, để công tác đối ngoại đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, ThS Nguyễn Anh Tuân và các cộng sự đã tiến hành phân tích, tổng hợp chính sách đối ngoại của một số thành phố trong nước và thế giới đồng thời phân tích tình hình đối ngoại cũng như đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của Hải Phòng, từ đó đề xuất các luận cứ nhằm cải thiện và xây dựng chiến lược đối ngoại hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố. Các đề xuất gồm có: Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ trung ương đến địa phương; Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao…; Tiếp tục đổi mới hoạt động ngoại giao kinh tế của địa phương, trong đó chú trọng phát triển kinh tế cảng biển, du lịch, thu hút đầu tư ODA và FDI; Thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại quốc tế; Thúc đẩy hoạt động ngoại giao văn hóa của thành phố đảm bảo ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột chính trong đối ngoại của địa phương; Tăng cường sử dụng nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút Kiều bào về đầu tư, phát triển quê hương…; Đầu tư hợp tác phát triển khoa học công nghệ; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược; Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cả số lượng và chất lượng để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng cán bộ đối ngoại; Công tác đối ngoại của thành phố đảm bảo phối hợp, tuân thủ chặt chẽ với chiến lược đối ngoại của Nhà nước và nhân dân.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về chính sách đối ngoại địa phương ở Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, qua đó, góp phần quan trọng cung cấp luận cứ khoa học giúp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của thành phố Hải Phòng.