“Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ để các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của thành phố thực sự phát huy vai trò và trở thành thương hiệu có giá trị cao trên thị trường”.

Đó là kiến nghị của ông Đỗ Gia Khánh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng.

Theo ông Khánh, tính đến năm 2017, Sở KH&CN Hải Phòng đã tư vấn, hỗ trợ xác lập gần 40 nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các đặc sản như: Cá thu một nắng Đồ Sơn, táo Bàng La, vải thiều Bát Trang, dưa Vĩnh Bảo...

Nhiều đặc sản đã tăng giá trị nhiều lần nhờ được bảo hộ. Đơn cử, giá nước mắm Cát Hải đã tăng khoảng 1.000 đồng/lít và ngày càng được biết đến nhiều hơn sau khi có NHCN. Với sản lượng 5 triệu lít/năm, giá trị gia tăng từ NHCN của sản phẩm này rất lớn. Các sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn, vải thiều Bát Trang, dưa Vĩnh Bảo... cũng gặp thuận lợi tương tự sau khi được bảo hộ.

Các sản phẩm đặc sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Hải Phòng tại hội nghị giao ban vùng Đồng bằng sông Hồng tháng 4/2017. Ảnh: Lâm Bình

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), dẫn đến mất thương hiệu hoặc mất quyền sử dụng cho sản phẩm của mình do không đăng ký hoặc để quá thời hạn gia hạn văn bằng bảo hộ.

Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 mà Sở KH&CN triển khai đã hỗ trợ, cung cấp thông tin miễn phí cho các đơn vị xác lập và bảo hộ quyền SHCN, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ một số đối tượng SHCN như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu bảo hộ ra nước ngoài, NHTT, NHCN, CDĐL.

Tuy nhiên, ông Khánh chia sẻ, hiện thành phố chưa có mô hình phù hợp để quản lý CDĐL, nhất là trong việc xác định cơ quan kiểm soát bên ngoài và cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL. Do đó, sản phẩm mang CDĐL của Hải Phòng chưa thực sự được nâng cao uy tín. Mô hình bảo hộ, quản lý NHTT, NHCN vẫn còn một số hạn chế liên quan đến việc phân định quyền giữa thành viên của tổ chức tập thể và chính tổ chức tập thể đó. Số dự án áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế.

Vì vậy, Sở KH&CN đề nghị Cục SHTT hỗ trợ để các NHTT, NHCN, CDĐL của thành phố được khai thác, phát triển hiệu quả, thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT, các lớp đào tạo chuyên sâu về SHTT; tạo điều kiện cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác SHTT được tham quan học hỏi kinh nghiệm các nước bạn.

“Đề nghị Bộ KH&CN, Cục SHTT hỗ trợ về chuyên môn để Hải Phòng thực hiện tốt công tác quản lý SHCN; hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, NHTT, NHCN của Hải Phòng để được cấp văn bằng sớm nhất có thể” - ông Khánh kiến nghị.