Sau khi được Sở KH&CN TP Hải Phòng trao Quyết định và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề thành phố Hải Phòng vào tháng 6/2016, hiện làng nghề bánh đa Kinh Giao có gần 40 cơ sở với 93 hộ tham gia sản xuất.

Nếu trước đây, hoạt động sản xuất của làng nghề khó khăn thì từ tháng 6/2016, sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu làng nghề, được kiểm định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm bánh đa của làng nghề được nâng cao uy tín trên thị trường, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố đặt mua. Do đó, bình quân lượng sản phẩm của cả làng nghề tăng thêm 15-20 tạ/ngày so với thời điểm chưa được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Đời sống các hộ dân làng nghề được cải thiện rõ rệt, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương với ngày công lao động từ 200-300.000 đồng/ngày.

Với nhu cầu thị trường hiện nay, để phát triển thương hiệu bánh đa Kinh Giao, mỗi cơ sở cần hỗ trợ vay vốn từ 400-500 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ số lượng sản phẩm của làng nghề, rất cần sự quan tâm, hỗ từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa.

Để phát triển làng nghề, thương hiệu bánh đa Kinh Giao, việc đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ số lượng sản phẩm của làng nghề; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước thải, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường… là yêu cầu cấp thiết. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Từ đó, phát huy vài trò cầu nối, tăng cường các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm ngay tại chỗ cho người dân.