Từ năm 2014 đến hết năm 2016, Hà Tĩnh có 126 hợp đồng chuyển giao công nghệ, thiết bị với tổng giá trị 821.130 triệu đồng.

Một số doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội đầu tư, mua bán bản quyền công nghệ hoặc liên kết, liên doanh khai thác bản quyền công nghệ, ươm tạo công nghệ, tham gia nghiên cứu ứng dụng KH&CN, trở thành các doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN hoạt động hiệu quả. Hiện toàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp KH&CN.

Tuy vậy, thị trường KH&CN vẫn rất nhỏ bé, thiếu người mua, người bán và cơ chế chính sách thúc đẩy hỗ trợ, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành, chưa có môi trường pháp lý đầy đủ. Đa số người sản xuất, kinh doanh chưa đủ năng lực để trao đổi, tiếp nhận, vận hành các quy trình công nghệ hiện đại; chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, thuê chuyên gia tư vấn quản lý và quản trị kinh doanh. Một số khác do thiếu kiến thức, thông tin về thị trường công nghệ nên đầu tư công nghệ lỗi thời.

Thạc sỹ Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh.

Theo điều tra năm 2013, 62% số công nghệ xuất xứ nước ngoài đến từ Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu, chủ yếu được nhập trước năm 2000; 52% là công nghệ trong nước và 25% không rõ xuất xứ. Có 49% số công nghệ được chuyển giao từ các doanh nghiệp đã sử dụng, chỉ từ 2-11% mua qua chợ công nghệ, các tổ chức nghiên cứu phát triển.

Năm 2016, với sự tham mưu của Sở KH&CN, tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển thị trường KH&CN và doanh nghiệp KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu của đề án là huy động các nguồn lực KH&CN để khai thác tối đa lợi thế địa phương; phát triển đồng bộ hạ tầng, nhân lực và các thiết chế trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy quan hệ cung - cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ KH&CN, phát huy vai trò chủ thể trung tâm của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KH&CN, chủ động hội nhập với các đối tác để phát triển thị trường KH&CN.

Đề án cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh tốc độ đổi mới công nghệ đạt tối thiểu 30%/năm, tăng lượng hàng hóa KH&CN cung cấp cho thị trường thông qua môi giới kết nối cung - cầu công nghệ lên 30%/năm; đến năm 2020 thành lập ít nhất 15 doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả cao trên các lĩnh vực ưu tiên.

Để đạt các mục tiêu trên, đề án tập trung vào ba nhiệm vụ, giải pháp chính. Thứ nhất là nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của KH&CN, thị trường và doanh nghiệp KH&CN để các chủ thể tích cực, chủ động tham gia thị trường KH&CN; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ, thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Thứ hai là thể chế hóa các chủ trương, chính sách để phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tăng cường giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp thụ hưởng kịp thời các chính sách về KH&CN để khuyến khích họ tham gia lĩnh vực này.

Giải pháp thứ ba là cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghê và thiết bị, tham gia hội chợ công nghệ và thiết bị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN hoặc được tạo ra từ việc tham gia thị KH&CN; thành lập doanh nghiệp KH&CN, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp...

Để đề án đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và sự quyết tâm đầu tư đổi mới mạnh mẽ của chính các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN - vốn là chủ thể của thị trường KH&CN.