Mới đây, UBND Huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố và trao văn bằng bảo hộ cho 3 nhãn hiệu tập thể gồm: “Dưa chuột Ba Lăng”, “Khoai tây Thường Tín” và “Chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu- xã Tiền Phong”. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội đã dự Hội nghị và trao văn bằng bảo hộ cho 3 nhãn hiệu tập thể.


Với lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh huyện Thường Tín vốn nổi tiếng là đất trăm nghề. Toàn Huyện hiện có 126 làng có nghề trong đó có 47 làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận.

Tiếp bước thành công của hai nhãn hiệu tập thể trước đó là “Tranh thêu Thường Tín” và “Sơn mài Hạ Thái-Duyên Thái”. Lần này, các sản phẩm “Dưa chuột Ba Lăng”, “Khoai tây Thường Tín” và “Chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu- xã Tiền Phong” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN trao chứng nhận NHTT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá các sản vật của huyện Thường Tín, là cơ sở, tiền đề để người dân, doanh nghiệp của huyện Thường Tín thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại, tránh được sự lạm dụng trên thị trường. Đồng thời đây là cơ hội tập hợp được người dân, các hộ sản xuất-kinh doanh thành một khối thống nhất có chung quyền lợi nhằm phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị gia tăng cũng như mở rộng thị trường, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện Thường Tín nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở KH&CN Hà Nội đã chúc mừng UBND Huyện Thường Tín và chủ sở hữu các nhãn hiệ tập thể “Dưa chuột Ba Lăng”, “Khoai tây Thường Tín” và “Chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu- xã Tiền Phong”, đồng thời, lưu ý để bảo vệ và phát triển bền vững các NHTT, trong thời gian tới UBND huyện Thường Tín cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng ban chuyên môn cùng với các xã, hiệp hội có NHTT tiếp tục các giải pháp cụ thể, thiết thực, chú trọng ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển bền vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng luôn tin yêu và lựa chọn sản phẩm của Huyện chúng ta. Cùng với đó, phải, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, hình thành và phát triển chuỗi liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp tại các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại… để sản phẩm mang NHTT thực sự phát huy giá trị bản sắc địa phương và trở thành nhãn hiệu mạnh. UBND Huyện Thường Tín cũng cần chỉ đạo và giám sát hoạt động quản lý và sử dụng NHTT theo đúng quy định đã ban hành.

Đối với bà con, các hộ sản xuất và các tổ chức tham gia đăng ký sử dụng NHTT “Dưa chuột Ba Lăng”, “Khoai tây Thường Tín”, “Chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu- xã Tiền Phong” cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm, giống, vệ sinh môi trường, tuân thủ đúng tiêu chuẩn quy định trong quy chế quản lý NHTT, sử dụng đúng tem nhãn để nâng cao uy tín cho sản phẩm mang NHTT. Bên cạnh đó cần chú trọng ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường để tăng thu nhập, nâng cao đời sống của bà con nhân dân. Được như vậy, NHTT của Huyện chúng ta sẽ không những chỉ là nhãn hiệu mà còn có thể trở thành những thương hiệu mạnh trong tương lai.