Tình trạng giảm diện tích lúa lai ở phía nam có thể được khắc phục với việc tạo thành công các giống lúa lai thơm KC06 có năng suất vượt trội, chất lượng cao và khả năng chống sâu bệnh tốt.


Trước thực trạng diện tích lúa lai phía nam giảm mạnh do giống Trung Quốc giá cao, nguồn cung ít, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam (SSC) đề tài KC06.24/11-15 về “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai ba dòng năng suất cao, thơm, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đề tài vừa kết thúc thành công, đánh dấu bước đột phá trong việc chọn tạo giống lúa lai.
Bộ giống lúa lai KC06 cho năng suất cao.Ảnh: K.A
Bộ giống lúa lai KC06 cho năng suất cao.Ảnh: K.A

Dẫn đầu về năng suất

Hiện nay, tốc độ phát triển diện tích trồng lúa lai ở khu vực phía nam vẫn chậm vì cơ cấu giống nghèo nàn, chưa có giống lúa lai ngắn ngày, kháng rầy nâu, đạo ôn và có giá trị hàng hóa cao. Trong khi đó, các giống nhập ngoại lại được bán với giá đắt đỏ. ĐBSCL rất cần giống lúa lai ưu việt hơn về năng suất, tính kháng sâu bệnh và giá trị hàng hóa. Sự thành công của đề tài KC06.24/11-15 là lời giải cho vấn đề này.

Mô hình thâm canh các giống lúa lai thơm KC06 (sản phẩm của đề tài) trên diện tích 50ha tại 5 điểm ở ĐBSCL cho năng suất gặt mẫu bình quân 9-10 tấn/ha ở vùng phù sa ngọt và 7-9 tấn/ha trên đất phèn. Năng suất này, cao hơn giống lúa thuần tốt nhất của địa phương từ 32% đến 84%. Những hộ chịu khó thâm canh và tuân thủ các quy trình kỹ thuật đều đạt năng suất trên 12 tấn/ha.

Năng suất gặt mẫu cao nhất trên toàn bộ các mô hình là 12,87 tấn/ha với giống KC06-2 và 12,83 tấn/ha giống KC06-5, cao hơn giống đối chứng 5-6 tấn/ha - tương đương 65-109%. Đây là năng suất cao kỷ lục từ trước đến nay ở ĐBSCL. Năng suất của các giống lúa lai KC06 đều cao hơn 32-84% so với giống đối chứng IR 50404, OM 4900, kể cả giống Hana trồng tại vùng đất nhiễm phèn nặng ở Hòn Đất, Kiên Giang. Hình dáng hạt gạo KC06 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chất lượng cơm tốt hơn hai giống đối chứng.

Bài toán khó đã được giải

Ông Dương Thành Tài - Phó Tổng giám đốc SSC - cho biết, yêu cầu đặt ra cho đề tài này là phải lai tạo được giống lúa lai có thời gian sinh trưởng 105-110 ngày, năng suất 8-9 tấn/ha, kháng rầy nâu và đạo ôn, hàm lượng amylose 17%, cơm thơm dẻo, hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó thực sự là bài toán khó nhưng đã được giải thành công.

Mặc dù thời gian thực hiện đề tài là 3 năm (2013-2015), nhưng sự ra đời bộ giống lúa lai thơm KC06 là thành quả 10 năm miệt mài nghiên cứu của đội ngũ kỹ thuật SSC, từ việc tìm nguồn gene nguyên liệu, trồng thí nghiệm ở nhiều nơi đến khi mang ra khảo nghiệm trên diện tích lớn hơn tại ĐBSCL. Các giống KC06 có cả dòng bố và mẹ đều mang đặc điểm lúa thơm, trong khi các giống lúa lai khác trên thế giới chỉ có một dòng mang đặc điểm này.

Không chỉ là bước đột phá về trần năng suất lúa ở ĐBSCL, các giống mới này còn chứng minh tính ưu việt của lúa lai so với lúa thuần về chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh. Nó mở ra cho ĐBSCL khả năng chỉ cần trồng 2 vụ mỗi năm thay vì 3 vụ như hiện nay. Như vậy, nông dân có thể làm thêm việc khác, đất có thời gian nghỉ ngơi, giúp cắt chu kỳ sinh trưởng của dịch bệnh, đặc biệt là rầy nâu.