Nghiên cứu mới đây cho thấy các giáo viên ở khu vực miền núi phía Bắc đang phải tự thân vận động để vượt qua các thách thức về điều kiện sinh hoạt và giảng dạy tại địa phương khi tất cả các chiến lược mà họ áp dụng để vượt khó đều đang ở cấp độ cá nhân. Dưới đây là bài viết tóm tắt một số kết quả chính từ nghiên cứu của nhóm tác giả.

Mặc dù các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đã có những dự án đầu tư nhằm hỗ trợ giáo dục ở khu vực miền núi phía Bắc, như dự án kiên cố hóa trường lớp hay chế độ thu hút giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đây vẫn luôn là một trong những khu vực có nhiều thách thức đối với giáo viên. Tỉ lệ giáo viên bỏ việc hoặc chuyển công tác đến các khu vực khác với điều kiện tốt hơn là một thực trạng đáng lo. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ giáo viên ở đây đang đương đầu với những thử thách nào và họ thích ứng với hoàn cảnh ra sao.

Để góp phần trả lời câu hỏi này, trong năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Úc và Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn nhóm chuyên sâu với 53 giáo viên từ cấp Tiểu học đến Trung học ở vùng đặc biệt khó khăn (Vùng 3) thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc.

“Thầy cô nói nặng một tí là học sinh dọa đi ăn lá ngón”

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, thách thức thứ nhất bắt nguồn từ những đặc điểm địa lý và văn hóa trong khu vực. Do địa lý vùng núi hiểm trở và thiếu phương tiện giao thông an toàn, nhiều giáo viên phải đối mặt với nguy hiểm khi trèo đèo vượt núi tới trường, như một cô giáo tâm sự: “Đường sá đi lại rất là vất vả,… phải đi qua mấy con suối liền, lúc trời mưa thì chỉ khênh xe thôi,… Học sinh trời mưa thì không đi học, các thầy cô phải lên tận nhà đón.”

Bên cạnh đó, nhiều tập tục văn hóa cũng ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh. “Nhất là sau Tết có lễ hội mùa xuân thì học sinh tìm được đối tượng kết hôn. Thế là ở nhà luôn, giáo viên rất vất vả để đưa học sinh ra lớp” hay “đồng bào ở đây thường hay có cái đặc trưng cúng, cúng bản ý, cứ vào cái cúng bản là hàng loạt các em lại nghỉ vì phong tục là kiêng không cho ra khỏi nhà” - đó là những chia sẻ thường gặp của các thầy cô.

Thậm chí, khi muốn lập lại trật tự ở trường, lớp, các thầy cô phải hết sức kiềm chế, không được quát to vì “theo phong tục người H’Mông, quát to là hồn nó bay đi mất”. Không những thế, “các em người dân tộc H’Mông thì tính tự ái rất cao, các thầy cô nói nặng một tí là dọa đi ăn lá ngón, trường em năm ngoái có một học sinh ăn lá ngón tự tử rồi” như tâm sự của một cô giáo.

Những con đường lầy lội là ác mộng cho các thầy cô giáo trường tiểu học An Lương (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: infonet.vn

Cùng với sự khác biệt về văn hóa thì khó khăn về trình độ ngôn ngữ của học sinh cũng được đề cập nhiều trong các cuộc phỏng vấn. Bất đồng về ngôn ngữ dẫn đến những khó khăn về giao tiếp và truyền tải kiến thức vì các em có hạn chế về tiếng phổ thông.

Điều kiện cơ sở vật chất của trường học nghèo nàn, thiếu nhân lực và nguồn lực cũng là vấn đề nan giải đối với giáo viên ở vùng miền núi khó khăn. Một cô giáo cho biết, “Cơ sở vật chất vật chỉ là nhà tạm,… phụ huynh cũng làm rào các thứ nhưng mà rào thì nó cũng không được chắc, trời mưa gió thì con trâu, con bò, con dê của dân bản nó vào nó ỉa nó đái ra hết xong hôm sau các thầy cô giáo lên là lại phải dọn.”

Nhiều giáo viên phải dạy môn học không đúng chuyên ngành và gánh vác nhiều nhiệm vụ khác ngoài công tác giảng dạy. “Ngoài giờ lên lớp các thầy cô phải xuống bếp nấu cơm cho các em bữa trưa và bữa tối,… tối không phải đứng lớp thì phải làm công việc khác [của] hoạt động bán trú” – một cô giáo kể. Ngạc nhiên nhất là có nhiều thầy cô được đào tạo để dạy Toán và Văn lại được phân công kiêm nhiệm cả môn tiếng Anh do thiếu giáo viên.

Thách thức thứ ba được đề cập là các khó khăn về đời sống vật chất. Xa cách gia đình và thu nhập thấp khiến cuộc sống của các giáo viên vùng cao rất vất vả. “Lương của mình thì hầu như chỉ đủ để nuôi mình thôi” - như một giáo viên nói, thậm chí, nhiều giáo viên cho biết phải nhận trợ cấp từ gia đình dưới xuôi hoặc canh tác thêm để cải thiện cuộc sống. Thật trăn trở với chia sẻ của thầy cô giáo về những khó khăn trong sinh hoạt vào mùa khô khi họ “phải đi đến 3km mới lấy được nước”.

“Nếu không tự giúp mình, không ai có thể giúp mình được”

Đối diện với vô số khó khăn, các giáo viên ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt công tác giảng dạy, thể hiện qua những câu chuyện được họ chia sẻ một cách cởi mở.

Để vượt qua sự cách trở về giao thông, các thầy cô áp dụng rất sáng tạo các phương pháp tưởng như không còn dùng trong thời đại ngày nay. Theo một giáo viên trong nhóm phỏng vấn, đôi khi họ vẫn dùng tín hiệu riêng để báo tin cho nhau, như các thầy cô ở bản trên lấy áo treo lên cột để báo tin cho các thầy cô ở bản dưới.

Và mặc dù bản thân còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô vẫn luôn hết lòng vì học sinh. Với những học sinh mà bố mẹ không có nguồn thu nhập, các thầy cô cho các em bút, sách, vở, thậm chí mua cả dầu gội đầu gội đầu cho các em.

Chính lòng yêu nghề, yêu trò đã giúp các thầy cô trụ lại ở những vùng núi xa xôi và còn nhiều khó khăn. “Sự tiến bộ của học sinh là động lực để em vượt qua khó khăn, cũng là giúp em yêu nghề hơn” - một cô giáo cho biết.

Một lớp học ở Văn Chấn, Yên Bái, Ảnh: infonet.vn

Như kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra, tất cả các chiến lược giáo viên áp dụng để vượt qua các khó khăn đều đang ở cấp độ cá nhân. Có vẻ có rất ít hỗ trợ từ phía xã hội, nhà trường, các tổ chức, cộng đồng, gia đình và học sinh. Các giáo viên phải tự thân vận động là chính, như chia sẻ của một cô giáo: “Trên đấy thì mình cần có tính tự vượt khó, đây là cái cốt lõi nhất, bởi vì khi mình lên đấy thì cái gì nó cũng thiếu thốn, đặc biệt là tình cảm người thân, cuộc sống vất vả, công việc dạy học cũng rất khó khăn... nếu không tự giúp mình không ai có thể giúp mình được.”

Thực tế này nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì động lực, đồng thời có những trợ giúp nhằm nâng cao vai trò tích cực, tự chủ của các giáo viên trong công tác giảng dạy và giáo dục nói chung ở vùng núi phía Bắc.

Cụ thể, cần xây dựng mạng lưới hỗ trợ giữa các giáo viên trong trường và trong khu vực. Ví dụ, nhà trường có thể kết hợp với chính quyền xã tổ chức các buổi giao lưu giữa người dân trong bản và giáo viên, giúp giáo viên hiểu học sinh hơn, từ đó đáp ứng các nhu cầu học tập sát sườn hơn; hay tổ chức các hoạt động phát triển chuyên môn và hội thảo trang bị cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng để vượt khó. Nâng cao khả năng vượt khó của giáo viên là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường nói riêng và toàn xã hội nói chung bởi việc giáo viên yên tâm công tác ở những khu vực miền núi là cực kỳ quan trọng. Đây cũng không phải vấn đề phát sinh mà là vấn đề lâu dài nhằm tăng cường chất lượng giảng dạy ở những vùng miền núi khó khăn.

Một giải pháp nữa là hỗ trợ việc đi lại và hỗ trợ tài chính cho giáo viên. Điều tưởng như vô cùng đơn giản như xây dựng các tuyến đường an toàn tới trường lại là nguyện vọng tha thiết của phần lớn giáo viên tham gia trả lời phỏng vấn. Để hạn chế tình trạng bỏ nghề, sự hỗ trợ tài chính của chính phủ nên tập trung vào việc tăng mức sống của giáo viên như tăng lương theo số năm cống hiến ở những trường vùng sâu, vùng xa. Sự hỗ trợ liên ngành từ nhiều phía, bắt đầu từ cấp độ địa phương và rộng hơn nữa là rất cần thiết. Nói tóm lại, các trường học cần liên kết chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ tài chính, chuyên môn và tinh thần cho giáo viên.

Bài báo được phát triển dựa trên báo cáo nghiên cứu “Khả năng vượt khó của giáo viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc” do TS Ngô Hằng Nga (Đại học Tây Bắc), TS Nguyễn Thị Mai Hoa (Đại học New South Wales), ThS Lương Quỳnh Trang (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Bùi Thủy thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Small Grant Fund. Mọi quan điểm và nhận định trình bày trong bài báo là của nhóm tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm của Chính phủ Australia.