Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng mới đây đã tổ chức buổi hội thảo bàn về các giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt.

Theo báo cáo tại hội thảo, hiện diện tích khoai tây trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.483 ha, năng suất trung bình 23,6 tấn/ha, tổng sản lượng 33.224 tấn trồng trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu của một năm. Diện tích sản xuất chủ yếu tập trung vào TP. Đà Lạt (607 ha), Đơn Dương (464 ha), Lạc Dương (50 ha), Đức Trọng (28 ha) và huyện Lâm Hà (khoảng trên 6 ha).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết trong năm 2017, sản lượng khoai tây sản xuất trong tỉnh có hợp đồng tiêu thụ với người dân chỉ chiếm 35-40%, còn lại chủ yếu là các công ty: Pepsico, Orion và các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khuyến khích việc hình thành các vùng sản xuất khoai tây. Ảnh: Trang tin Tây Nguyên.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khuyến khích việc hình thành các vùng sản xuất khoai tây. Ảnh: Trang tin Tây Nguyên.

Từ tháng 6-9, tỉnh Lâm Đồng có 60-65% sản lượng khoai tây chưa có hợp đồng tiêu thụ, người dân chủ yếu bán cho tư thương khắp nơi với giá cả không ổn định, đặc biệt là thời điểm giáp vụ.

Thời điểm hiện tại, khoai tây Trung Quốc có giá 6.000-8.000 đồng/kg nhập vào Việt Nam với số lượng lớn. Tính từ năm 2014 tới tháng 9/2017, chỉ riêng lượng khoai tây Trung Quốc nhập vào chợ đầu mối Đà Lạt là 2.285 tấn.

Để phát triển sản xuất và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh sớm phê duyệt đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt nhằm nâng cao giá trị khoai tây trên địa bàn tỉnh, mở rộng diện tích sản xuất ra các huyện phụ cận, xây dựng nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt.

Đồng thời, Sở khuyến khích việc hình thành một số vùng sản xuất khoai tây chính, để tổ chức sản xuất, chứng nhận VietGAP, cũng như đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật, quản lý nhãn hiệu, giải pháp về kỹ thuật, quản lý nhãn hiệu và tuyên đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn trong thời gian tới.