Đây là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến “Đưa tiến bộ kỹ thuật về nông thôn miền núi”.

Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Khoa học và Phát triển phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển truyền thông KH&CN tổ chức ngày 22/12 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của độc giả về những chương trình nông thôn miền núi đã được thực hiện trong 15 năm qua, TS Nguyễn Văn Liễu cho biết: "Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, từ năm 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (gọi tắt Chương trình Nông thôn miền núi).

Chương trình đã được triển khai qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn từ năm 1998-2002 (theo Quyết định số 132/1998/QĐ-TTg ngày 21/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); Giai đoạn từ năm 2004-2010 (theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 05/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Giai đoạn từ năm 2011-2015 (theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010)".

Qua 3 giai đoạn, các dự án của Chương trình đã huy động được gần 100 tổ chức KH&CN ở Trung ương, chuyển giao gần 5.000 lượt công nghệ, đào tạo về công nghệ, quản lý dự án cho gần 12.000 kỹ thuật viên cơ sở và trên 1.700 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương, tập huấn kỹ thuật cho gần 250.000 lượt người dân, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào trong đời sống và sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho hàng chục ngàn người dân trực tiếp tham gia các dự án và tăng thu nhập cho.

Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Liễu cũng đã có những đánh giá, nhìn nhận của ông về quá trình triển khai và kinh nghiệm để thực hiện chương trình hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Liễu chia sẻ thông tin với Báo Khoa học và Phát triển.