Năm 2013, gà đồi Yên Thế được trao cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á” - ASEAN Best Food, tại Singapore. Mới đây, gà đồi Yên Thế lại được trao văn bằng bảo hộ tại 3 quốc gia là Lào, Trung Quốc, Singapore.

Mặc dù tiềm năng xuất khẩu là rất lớn nhưng đến nay, sản phẩm gà đồi Yên Thế vẫn đang phải chật vật “tìm đường” ra nước ngoài.

Bắc Giang hiện có khoảng 18 triệu con gà, sản lượng hơn 34 nghìn tấn, riêng huyện Yên Thế có 14 triệu con với sản lượng từ 24-28 nghìn tấn, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 10-12 triệu con và là một trong những địa phương có tổng đàn gà lớn nhất cả nước.

Gà đồi Yên Thế là giống gà lai từ gà mía và gà ri với đặc điểm lông màu vàng nhạt, có chút đốm đen dọc theo sống lưng, màu da vàng nâu đậm, mào màu cờ, trọng lượng cơ thể trung bình từ 2,2-2,3 kg, thịt thơm, ngon hơn các giống gà khác. Với những ưu điểm nổi bật đó, năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đâu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền cho sản phẩm.

Chăn nuôi gà đồi tại xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế. Ảnh: Văn Thư

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty CP Giang Sơn cho biết, với hơn 100 công nhân, mỗi năm công ty cung cấp trên dưới 1.000 tấn gà đồi Yên Thế. Sản phẩm của công ty đã được đưa vào các hệ thống siêu thị như Coopmart, Metro, Nhất Nam, Hapro… “Trước kia, giá gà trôi nổi trên thị trường, có những năm chúng tôi chỉ bán được 35.000-40.000 đồng/kg, nhưng từ khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, giá trị của con gà được nâng lên rất nhiều, giá bán trong siêu thị ổn định mặc dù thị trường có nhiều biến động. Do đó thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 5 triệu/tháng” - bà Tâm nói.

Hiện Công ty CP Giang Sơn đã từng phải từ chối các đối tác từ Nhật Bản, Nga khi được đề nghị cung cấp số lượng lớn gà thương phẩm là ba ngày một công gà (24 tấn) do không đủ kinh phí mua thiết bị chế biến gà thương phẩm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. “Nếu lủi thủi làm một mình như hiện nay thì doanh nghiệp chúng tôi chỉ có thể đáp ứng được thị trường trong nước mà thị trường trong nước nhiều khi không đủ để cung cấp. Hiện chúng tôi vẫn chủ yếu bán gà lông còn gà thương phẩm chỉ cung cấp được một vài tỉnh do không đủ vốn để quay vòng. Sản lượng gà thương phẩm mới chỉ chiếm 20% sản lượng gà của doanh nghiệp, tức 1.000 tấn chỉ có 200 tấn là gà thương phẩm bán trong siêu thị” - bà Tâm nói.

Để giải quyết bài toán trên, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN - cho rằng, việc được cấp giấy chứng nhận mới chỉ là bước đầu, là công cụ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lơn hơn trong quá trình phát triển sản phẩm. Tuy nhiên để thương hiệu phát triển, theo ông Bình cần phải thiết lập một hệ thống chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn kết với nhau. Đầu tiên phải xác định được bộ con giống ổn định, rồi đến quy trình chăn nuôi (như hệ thống nhà nuôi, điều kiện môi trường, nhiệt độ, nước, thức ăn… phải đạt chuẩn), quy trình giết mổ, và việc cung cấp sản phẩm ra thị trường, tất cả đều phải gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Hiện gà đồi Yên Thế không ngừng được mở rộng, thường xuyên có mặt tại các chợ đầu mối lớn tại 18 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Bắc Ninh… chiếm thị phần lớn hơn cả.