Hai giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng Nguyễn Hương Trà và Đỗ Tấn Phát vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu quy trình trồng nấm bào ngư vàng bằng phương pháp hữu cơ cho năng suất và chất lượng cao.

Bào ngư vàng (Pleurotus citrinopileatus) có màu sắc và hương vị đặc trưng, hấp dẫn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ở nước ta nấm bào ngư vàng được trồng phổ biến tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Đồng Nai và một số địa phương khác. Nấm bào ngư vàng có phẩm cấp và chất lượng cao, có giá trị kinh tế lớn trên thị trường và đang được tiêu dùng rộng rãi.

Cô Nguyễn Hương Trà cho biết: trong nấm bào ngư vàng có lượng protein cao, chiếm 33%-43%, chất béo thấp, nhiều Acid amin thiết yếu, vitamine và khoáng chất… Ngoài giá trị thực phẩm, nấm bào ngư vàng còn có công dụng chữa bệnh như một vị thuốc. Chẳng hạn như: khả năng chống oxy hóa cao, điều hòa hệ miễn dịch, kháng u, tiêu viêm, giảm lượng đường trong máu… vì vậy nấm bào ngư vàng rất tốt cho sức khỏe của con người.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, hiện tại ở Việt Nam quy trình trồng nấm bào ngư vàng vẫn còn đang gặp phải một số bất cập. Cụ thể là do nấm dễ bị sâu bệnh nên người trồng thường phải sử dụng những loại thuốc hóa học để xử lý, năng suất chưa cao,… từ đó dẫn đến một số nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn thế, nấm bào ngư vàng thường khó bảo quản hơn các loại nấm khác nhiều lần do sản phẩm có chứa một lượng nước khá cao. Bên cạnh đó nấm còn dễ bị dập, gãy trong quá trình vận chuyển dẫn đến hiệu quả kinh tế của người trồng bấp bên và thu nhập không cao. Để phát triển bền vững mô hình trồng nấm bào ngư vàng, hạn chế những nhược điểm kể trên thì việc nghiên cứu và hoàn thiện quy trình trồng nấm bào ngư vàng bằng phương pháp hữu cơ để cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nhóm nghiên cứu.

Để trồng được nấm sạch với chi phí thấp và hiệu quả cao thì vấn đề quan trọng là phải tạo ra được giá thể sạch. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu đã tập trung vào việc tạo ra quy trình trồng nấm bào ngư vàng bằng cách giá thể hữu cơ và so sánh sự phát triển với giá thể vô cơ để chọn lọc ra được quy trình cho sản phẩm nấm với năng suất cao nhất và chất lượng tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân - cô Trà cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm sự phát triển của nấm bào ngư vàng với 3 loại giá thể khác nhau gồm: mạt cưa với tỷ lệ 100%; bả mía với mạt cưa tỷ lệ phối trộn 25/75; bả mía mạt cưa tỷ lệ 50%/50%; bả mía mạt cưa tỷ lệ 75/25 và rơm rạ mạt cưa với tỷ lệ lần lượt là: 25/75, 50/50 và 75/25.

Kết quả cho thấy, giá thể được trồng bằng 100% mạt cưa cho thời gian lan tơ 20.3 ngày và tốc độ lan tơ 0,78 cm/ngày, cao nhất so với các loại giá thể kể trên.

Ảnh hưởng của thành phần giá thể hữu cơ của sự lan tơ và hình thành quả thể sau 17 ngày nuôi cấy trên các môi trường có bổ sung cám gạo và cám với tỷ lệ lần lượt là 2%,4%,6%,8% và 10% cho kết quả: đối với giá thể được bổ sung đạm từ cám gạo 4% cho thời gian lan tơ nhanh nhất 14.6 ngày, tốc độ lan tơ 1.10 cm/ngày, thời gian ra quả thể 23.7 ngày và trọng lượng nấm đạt 130.13g cao hơn so với tỷ lệ bổ sung còn lại.

Đối với giá thể bổ sung đạm từ cám bắp cho thấy tỷ lệ bổ sung 4% cho kết quả thời gian lan tơ nhanh 14.4 ngày, tốc độ lan tơ 1.11 cm/ngày, thời gian ra quả thể 241.1 ngày và trọng lượng nấm đạt 137.05 g.

Đối chứng quả thể nấm bào ngư vàng nuôi trên môi trường hữu cơ 100% mạt cưa với các quả thể nuôi trên môi trường bổ sung đạm từ cám gạo và cám bắp nhóm nghiên cứu nhận thấy ở môi trường bổ sung đạm hữu cơ thì năng suất nấm cao hơn hẳn.

Làm một thí nghiệm bổ sung đạm DAP 3% và Ure 1% với cho ra kết quả, nấm bào ngư vàng nhanh lan tơ hơn, tốc độ ra quả thể nhanh hơn 2 ngày, trọng lượng quả thể lại kém hơn so với đạm hữu cơ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu: nếu bổ sung thêm một số yếu tố vi lượng như magie, lưu huỳnh, phốt pho, lân… thì cho tốc độ lan tơ nhanh hơn, thời gian lan tơ nhanh hơn, thời gian ra quả thể nhanh hơn nhưng trọng lượng nấm lại nhẹ hơn hẳn, chỉ 129g/137g.

Tổng hợp các kết quả nghiên cứu riêng biệt kể trên, nhóm đã hoàn thành quy trình trồng nấm bào ngư vàng kết hợp các yếu tố nổi bật nhất ở mỗi thí nghiệm để cho ra công thức trồng nấm bào ngư vàng sạch, năng suất cao. Cụ thể, giá thể được làm bằng mạt cưa, phối trộn với cám bắp 4%, MGSO4 0.20/% sau khi đóng bịch, khử trùng để loại bỏ sâu bệnh sẽ cấy meo giống và nuôi trồng trong điều kiện nhiệt độ 22-300c, độ ẩm 70-90%, ánh sáng 200-300 lux trong 20 ngày, từ thời gian nuôi ủ đến khi tưới đón 17 ngày sau sẽ thu hoạch được nấm.

Nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở góc độ cho ra giá thể hữu cơ thích hợp trong quy trình nuôi trồng. Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu quy trình bảo quản để hoàn thiện để tài nghiên cứu sau đó đưa đề tài ứng dụng vào thực tế giúp người trồng nấm làm kinh tế hiệu quả nhất - cô Trà cho biết thêm.