Nhóm kỹ sư tại Hợp tác xã dịch vụ Đầu tư phát triển nông nghiệp xanh (huyện Cẩm Mỹ) đã nghiên cứu cải tiến phương pháp ghép cải tạo giống mới. Phương pháp này nhằm cải thiện chất lượng các vườn sầu riêng có độ tuổi 12-40 năm, không còn cho năng suất cao tại hợp tác xã.

​Nghiên cứu viên Trần Việt Cường, đồng tác giả giải pháp nghiên cứu cho biết, sầu riêng không chỉ là giống cây ăn trái đặc sản mà còn được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao. Trong những năm gần đây, nhờ vào hiệu quả kinh tế từ cây trồng sầu riêng mang lại mà diện tích trồng giống cây này cũng không ngừng được mở rộng. Những vùng trồng sầu riêng ngon có tiếng tại Đồng Nai như thị xã Long Khánh, huyện Long Thành, khu vực huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ... Tuy có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp để phát triển các vùng trồng sầu riêng tập trung chuyên canh cho năng suất cao, chất lượng tốt nhưng thực tế hiện nay, năng suất sầu riêng của các địa phương trong tỉnh còn thấp so với tiềm năng ( chỉ mới đạt khoảng 10 tấn/ha), chất lượng trái không đồng đều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này trong đó có nguyên nhân quan trọng về giống không đảm bảo chất lượng.

Anh Trần Việt Cường cho biết thêm, việc tìm ra phương pháp mới nhằm cải tạo giống từ những cây sầu riêng giống cũ có độ tuổi 12-40 năm thành vườn sầu riêng giống mới là cơ sở quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng loại trái cây đặc sản của Đồng Nai.

Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu và khảo nghiệm các phương pháp ghép hiện nay, nhóm tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều cách lai ghép: Ghép nêm, ghép treo bầu và ghép áp. Cụ thể, các cây sầu riêng già cỗi, không còn năng suất, bị sâu bệnh sẽ được cắt bỏ toàn bộ phần thân trên, sau đó sử dụng kết hợp các phương pháp ghép để tạo nên giống mới. Ban đầu, thực hiện phương pháp ghép nêm hay còn gọi phương pháp ghép mắt có lõi gỗ để tạo ra cây giống tốt (trong đó lựa chọn các mắt lõi gỗ tại những cây khỏe mạnh cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên) làm cành ghép.

Đối với phương pháp ghép treo bầu được dùng để ghép cây giống tốt vào gốc ghép là thân chính của cây sầu riêng giống cũ có độ tuổi 12-40 năm trong vườn.

Sử dụng phương pháp ghép áp để ghép cây sầu riêng giống tốt vào cành hoặc chồi mọc từ thân cây sầu riêng giống cũ để tránh cho cây giống tốt bị tách rời trong quá trình ghép khỏi gốc cây ghép ở thời kỳ cho trái. Theo phương pháp mở miệng mắt ghép hình chữ U ngược.

Cũng theo anh Trần Viết Cường, kết quả ứng dụng phương pháp ghép mới này cho thấy, vườn sầu riêng khi thực hiện lai ghép cho năng suất, chất lượng quả tốt hơn. Hơn nữa đây là phương pháp ghép đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với khả năng của bà con nông dân trồng sầu riêng. Các nhà vườn có thể áp dụng cách thức ghép cải tạo cho vườn sầu riêng với quy mô diện tích lớn không chỉ với cây sầu riêng mà phương pháp ghép mới này còn có thể áp dụng cho các vườn có loại cây ăn trái khác giống cũ, không còn năng suất, chất lượng để cải tạo.

Kết quả áp dụng phương pháp ghép này tại Hợp tác xã Dịch vụ Đầu tư phát triển nông nghiệp xanh cho thấy cây sau khi ghép với thời gian 4 tháng thì quá trình sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Thời gian cho trái sớm (sau 2 năm ghép cải tạo giống) và cho năng suất cao sau 4-5 năm ghép cải tạo. Áp dụng cách thức ghép này làm giảm chi phí cho việc trồng mới (kinh phí ghép cải tạo chỉ bằng 40-50% so với việc phá bỏ toàn bộ vườn cây để trồng mới lại), mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trồng và thâm canh cây sầu riêng. Cách thức thao tác các bước trong phương thức ghép cải tạo đơn giản, dễ thực hiện phù hợp với khả năng và trình độ của hầu hết người nông dân. Quan trọng hơn, sau khi áp dụng cách ghép cải tạo giống sẽ giúp người nông dân tạo được vườn sầu riêng giống tốt cho năng suất cao, chất lượng quả ổn định, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Ảnh minh họa.

Anh Trần Việt Cường cho biết, các nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh nếu có nhu cầu cải tạo các vườn cây sầu riêng già cỗi có độ tuổi 12-40 thì cán bợ kỹ thuật tại hợp tác xã có thể tập huấn, tư vấn kỹ thuật cách ghép cải tạo theo phương pháp mới. Việc này cần thực hiện để góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng thương hiệu sầu riêng “Long Khánh” trên thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; hướng đến mô hình phát triển bền vững; tăng thu nhập, đời sống cho người nông dân.