Đây là nội dung trọng tâm của Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra hôm hôm 21/10 và một loạt các hội thảo chuyên đề hôm 20/10 tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang).

• Đồng bằng sông Cửu Long: Mỗi năm lún thêm gần 3cm

Ngày 21/10, Bộ KH&CN cùng với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị giao ban vùng Tây Nam Bộ với sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Võ Anh Kiệt - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang ông Lê Văn Nưng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các Sở KH&CN 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Kiều Anh.

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, thủy sản,.. nhưng hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Hội nghị giao bàn vùng là dịp để các tỉnh cùng nhìn lại những lợi thế, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN, thảo luận các biện pháp để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai để phát triển vùng ĐBSCL.

Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của vùng và từng địa phương giai đoạn 2014 - 2016; kết quả của KH&CN phục vụ phát triển KT-XH của từng địa phương; tình hình thực hiện phát triển tiềm lực KH&CN; trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KH&CN; thảo luận các biện pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực tế triển khai các hoạt động KH&CN; những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng; định hướng công tác của hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 – 2018.


Audio Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc hội nghị

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh: "Một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH&CN trong vùng là đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất những sản phẩm chủ lực theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những mô hình như “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao”, “nuôi tôm siêu thâm canh”, “sản xuất cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao”. Từ đó, hình thành các chuỗi giá trị của sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao, gắn với thị trường tiêu thụ, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đưa KH&CN của vùng sánh vai với các vùng phát triển của đất nước và từng bước hội nhập quốc tế".

Ông Lê Văn Nưng cho biết, An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL, trong đó lúa gạo, cá tra - ba sa được ưu tiên phát triển theo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện chương trình đầu tư công nghệ sinh học và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu trên thị trường.

Ông Lê Văn Nưng khẳng định An Giang sẵn sàng đầu tư các nguồn lực để tập trung phát triển KH&CN. Ảnh: KA.

Giai đoạn 2016 - 2020, An Giang đã xây dựng 7 chương trình KH&CN trên các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững, du lich, phát triển bền vững vùng sinh thái thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu, vùng Bảy Núi và Tứ giác Long Xuyên trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; dược liệu và y học cổ truyền...

"An Giang mong muốn cùng các tỉnh bạn hợp tác về lĩnh vực KH&CN nhằm giải quyết những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy những lợi thế trong vùng ĐBSCL để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước" - ông Nưng nhấn mạnh.

Audio phát biểu của ông Lê Văn Nưng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Sau bài phát biểu khai mạc, bà Đinh Thị Việt Huỳnh - Phó giám đốc Sở KHCN An Giang trình bày báo cáo tóm tắt kết quả buổi hội thảo Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đối khí hậu diễn ra chiều 20/10.

Bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) trình bày báo cáo về thực trạng cá hoạt động ứng dụng và chuyên giao tiến bộ KH&CN của cac địa hương trong vùng Tây Nam Bộ và định hướng trọng tâm các hoạt động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương đã có bài phát biểu tổng hợp kết quả hoạt động KH&CN các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2016 và định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Giám đốc KH&CN Cần Thơ nêu vấn đề: "Thời gian qua ĐBSCL đã có nhiều thay đổi về giống, các canh tác để đưa lúa gạo lên tầm cao mới. Tuy nhiên, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thì giai đoạn tới, cần phát triển công nghệ mới, đặc biệt là CNC, tập trung xây dựng khu công nghệ cao trong vùng, hoặc khu vực ứng dụng khu CNC, Gần đây nhất, vấn đề đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là câu chuyện mới mà các sở KH&CN cần có sự quan tâm hỗ trợ thông tin kiến thức kỹ năng để hỗ trợ sở ngành phát triển theo định hướng mới".

Còn theo ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) lại cho rằng, có 2 vấn đề mà ĐBSCL cần quan tâm là tạo ra các liên kết. Trong đó, liên kết các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và liên kết và tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp lớn để tạo ra những sản phẩm ưu việt.

Ông Đà nêu ví dụ, việc tạo ra một sản phẩm giống lúa ngon, năng suất cao chưa phải là bước cuối cùng, mà trong vòng liên kết còn cần có bước tạo ra những sản phẩm ngon từ gạo. Những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn sẽ đủ nguồn lực đầu tư cho R&D.

Ghi nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các Sở KH&CN cũng như đơn vị của Bộ, trong phần kết luận của hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã đồng ý với các báo cáo hoạt động KH&CN của các sở giai đoạn 2014-2016.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao những kết quả tích cực và hoạt động KH&CN được triển khai toàn diện trên mọi lĩnh vực ở vùng ĐBSCL cũng như ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh với hoạt động KHCN.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: KA

Ông Thanh nhấn mạnh: "Việt Nam đang hội nhập tích cực vào các hiệp định thương mại tự do FTA. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức sự phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt là với doanh nghiệp. Một bối cảnh khác mà ĐBSCL cũng đang phải đối mặt là sự tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn, khai thác ở thượng lưu sông Mekong đang có nhiều tác động đến khu vực hạ lưu. Vì vậy, Đảng, chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy lợi thế vùng không để biến đổi khí hậu tác động xấu đến phát triển kinh tế".

Audio phát biểu kết luận hội nghị của Thứ trưởng Trần Việt Thanh

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nêu ra một thực tế là nguồn lực KHCN của không không cao, với chỉ số nhà khoa học trên một vạn dân ở mức thấp so với các địa phương khác trên toàn quốc. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2018, ĐBSCL cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN để có được sự năng động, toàn diện trong phát triển kinh tế.

Nêu ra các định hướng quan trọng của Vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói: "Các Sở KH&CN cần nghiên cứu định hướng hoạt động KHCN trong thời kỳ hội nhập để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo các tỉnh thành phố. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến đổi mới, ứng dụng phát triển công nghệ để tạo ra doanh nghiệp công nghệ, phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo liên kết doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bà Lê Thị Phụng - Phó giám đốc Sở KH&CN Tiền Giang nhận cờ luân lưu Hội nghị Giao ban vùng ĐBSCL lần thứ 25. Ảnh: NV

Cuối hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng đã trao cờ luân lưu tổ chức hội nghị Giao ban vùng lần thứ 25 có lãnh đạo Sở KH&CN Tiền Giang.

Theo kế hoạch, chiều 21/10, Thứ trưởng Trần Việt Thanh sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo 13 sở khoa học và công nghệ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để tiếp tục trao đổi về các giải pháp cũng như bàn cách giải quyết các vướng mắc nhằm tăng cường vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.