Thấy vợ chồng ông Hùng, bà Phượng đi mua máy điều hòa 2 chiều về để phục vụ cây hoa lan, người trong làng ai cũng bảo là gàn dở.

Vợ chồng ông Lưu Bá Hùng và bà Vũ Thị Phượng đều sinh ra ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên - vùng đất có truyền thống trồng hoa, cây cảnh lâu đời; cả hai đều tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp. Tuy có công việc ổn định tại cơ quan nhà nước, nhưng niềm đam mê làm vườn và ước mơ sở hữu một khu vườn hiện đại trong họ chưa bao giờ nguôi.

 Bà Vũ Thị Phượng mơ ước mở rộng thêm diện tích trồng lan. Ảnh: Phượng Hằng
Bà Vũ Thị Phượng mơ ước mở rộng thêm diện tích trồng lan. Ảnh: Phượng Hằng

Những năm 90 thế kỷ trước, rất ít người biết đến cây lan hồ điệp, có chăng chỉ là những người chuyên chơi hoa. Giá một cây lan hồ điệp lúc này tương đương nửa chỉ vàng. Nhận ra tiềm năng của loài hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao này, đôi vợ chồng Hùng - Phượng manh nha ý tưởng phát triển nó. Cuối năm 1996, với kinh nghiệm làm vườn và kỹ thuật học được ở trường lớp, họ gom số vốn huy động từ bạn bè, anh em và khoản tiền mình dành dụm được để bắt tay vào trồng lan hồ điệp bằng công nghệ cao.

“Vốn ít nên ban đầu gia đình chỉ xây dựng mô hình trồng hoa ở nhà. Khi đó, thấy chúng tôi đi mua máy điều hòa 2 chiều về để ổn định nhiệt độ cho cây, mọi người trong làng ai cũng bảo là gàn dở. Bỏ qua tất cả sự gièm pha, chúng tôi cố gắng từng ngày một để cho ra kết quả tốt nhất” - ông Lưu Bá Hùng nói.

Năm 2001, hai vợ chồng ông thuê thêm đất ven sông Hồng để mở rộng mô hình, xây dựng hệ thống nhà kính. Chi phí đầu tư cho mỗi mét vuông trồng lan là 1,8 triệu đồng. Với số lượng lan xuất bán liên tục trong năm và giá bán ổn định khoảng 120.000 đồng/chậu, họ nhanh chóng thu hồi vốn và đang tạo việc làm cho 6 công nhân thường xuyên, hơn 20 công nhân thời vụ.

1m2 lan cho lợi nhuận bằng 1 sào lúa

Giống lan của vợ chồng ông Hùng được nhập chủ yếu từ Đài Loan ở giai đoạn cây còn trong chai. Họ gắp cây ra, rửa sạch rồi đưa vào trồng trong lọ nhỏ, qua một thời gian cấy sẽ được chuyển sang trồng chậu.

Bà Vũ Thị Phượng cho biết, với lan hồ điệp, ngay từ ban đầu phải tạo được môi trường tối ưu thì lan mới phát triển tốt, chất lượng hoa cao.

Hiện lan hồ điệp chủ yếu được tiêu thụ vào dịp lễ, tết nên họ phải điều chỉnh sao cho hoa nở đúng dịp. Nhiều khách nước ngoài đến đặt hàng, nhưng họ hầu như không dám nhận bởi nhu cầu trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ. Điều này làm hai vợ chồng ông Hùng trăn trở, suy tính làm sao mở rộng diện tích đất trồng lan để có thể xuất khẩu.

“1m2 lan hồ điệp cho lợi nhuận tương đương 1 sào lúa. Với giá trị cao như vậy, tôi sẽ tập trung nguồn lực vào trồng lan công nghệ cao và mở rộng mô hình”- ông Hùng, người đang sở hữu 6.000m2 đất trồng hoa - chia sẻ. Ngoài mục đích tăng lợi nhuận, vợ chồng ông cũng muốn điều đó sẽ giúp tạo thêm việc làm cho người dân.