Đến nay số doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào Chương trình hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (Chương trình) lên tới gần 70%.

Con số này phần nào thể hiện quan điểm chuyển giao KH&CN lấy “doanh nghiệp là hạt nhân” và “phù hợp với năng lực tiếp nhận của người dân” của Chương trình, theo ông Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Báo KH&PT: Để chuyển giao KH&CN và tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa, Chương trình đã đặt mục tiêu lấy doanh nghiệp là hạt nhân thúc đẩy, tạo chuỗi giá trị hàng hóa. Vậy Chương trình đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Liễu: Về tổng thể, Chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực của các tổ chức KH&CN. Trong 3 giai đoạn trước đây với gần 850 dự án thì có khoảng 1250-1300 lượt tổ chức tham gia, bình quân mỗi dự án có 4-5 nhà khoa học tham gia chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, có 1,5 tổ chức KH&CN tham gia thì Chương trình cũng đã huy động được khoảng 3500 - 4500 lượt nhà khoa học tham gia. Trong giai đoạn 2016-2018 hiện nay, với gần 300 dự án đang thực hiện thì con số này cũng là khoảng 1200-1500 lượt nhà khoa học tham gia.

Chúng tôi nhận thấy, chỉ có sự tham gia của các tổ chức KH&CN (viện, trường) không thì chưa đủ, bởi việc tham gia thực hiện dự án của các doanh nghiệp, các HTX mới đem lại sức lan tỏa cho dự án và tạo ra chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp và HTX vừa là nơi cung cấp các nguyên, vật liệu đầu vào của sản xuất, vừa là nơi tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KH&CN thuận lợi nhất, vừa là nơi lo giải quyết đầu ra (tiêu thụ) của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp Chương trình chỉ có thể thành công khi thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia.

Chúng tôi đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để mời bằng được các doanh nghiệp cùng nhập cuộc. Do đó, qua các giai đoạn, số lượng các doanh nghiệp, các HTX tham gia thực hiện dự án ngày càng tăng. Nếu trong giai đoạn 1998-2002 không có dự án nào do doanh nghiệp hay HTX chủ trì và chủ yếu do các viện, trường, trung tâm ứng dụng KH&CN ở địa phương chủ trì; sang giai đoạn 2004-2010 đã có tới 80 dự án (chiếm gần 30%) do doanh nghiệp hay HTX chủ trì và con số này trong giai đoạn 2011-2015 có 145 dự án (chiếm trên 45%), giai đoạn 2016-2018 đã có gần 60% dự án doanh nghiệp, nếu tính cả HTX thì tỉ lệ này là trên 70%.

Chương trình ứng dụng nhiều công nghệ mới do chính người nông dân sáng tạo.
Ảnh: hanghoavacongluan.vn

Chương trình đã có những biện pháp gì để kết nối doanh nghiệp, viện trường?

Để tăng cường thu hút, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, viện trường và doanh nghiệp, Chương trình đã tích cực mời các nhà khoa học tham gia hỗ trợ Bộ KH&CN trong các khâu xác định nhiệm vụ, xét duyệt các dự án để có được các dự án có chất lượng tốt, phù hợp với mục tiêu của Chương trình, điều này cũng khiến các nhà khoa học hiểu rõ hơn về Chương trình để chủ động tham mưu, đề xuất hoặc kết nối với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện chương trình.

Ngay từ khâu lựa chọn, xác định dự án, Chương trình đã ưu tiên các dự án ứng dụng và chuyển giao đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức quản lý, phát triển thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia của doanh nghiệp với tư cách là đơn vị nòng cốt trong liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Điều này không những chỉ là giải pháp thu hút doanh nghiệp mà còn là giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dự án cũng như tính bền vững, lan tỏa của dự án.

Khi chuyển giao công nghệ ở nông thôn miền núi, cần tính đến tính lan tỏa “hậu dự án”, hiện nay Chương trình giai đoạn 2016 – 2025 mới đi vào thực hiện được một thời gian ngắn, nhưng có những vấn đề nào cần lưu ý để đạt được điều này ?

Khi triển khai các dự án thuộc Chương trình, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này. Bởi nhìn chung, nguồn nhân lực trên địa bàn nông thôn và miền núi trong hoạt động nghiên cứu triển khai KH&CN còn thiếu và yếu. Hầu hết các hộ dân ở địa bàn nông thôn và miền núi còn rất nghèo, khó khăn về điều kiện học hành (dân trí thấp) ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu các tiến bộ KH&CN. Tôi nhận thấy có một số khía cạnh có thể cản trở hiệu quả của các dự án:

Về tổ chức thực hiện: Do các quy định về phân công trách nhiệm trong quản lý của Chương trình đã rõ hơn, cụ thể hơn nên việc phối hợp trong công tác quản lý giữa Bộ KH&CN và các địa phương đã được cải thiện so với giai đoạn trước đây, song nhiều lúc việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương với Sở KH&CN vẫn còn lỏng lẻo.

Việc xác định quy mô, tiến độ và các điều kiện khác để thực hiện dự án của các chủ dự án nhiều khi không sát thực tế nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện.

Cơ chế chính sách khuyến khích nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc (đặc biệt là chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm tạo ra từ dự án) chưa được các địa phương thực sự quan tâm do vậy ảnh hưởng lan tỏa của các mô hình ra diện rộng vẫn còn khiêm tốn.

Gian hàng miến dong của người dân nông thôn miền núi huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Nhiều HTX ở Bình Liêu đã áp dụng các quy trình công nghệ và nhờ các nhà khoa học, kỹ thuật tư vấn sản xuất. Ảnh: TC Công Thương.

Các dự án chuyển giao công nghệ nhằm tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp (mới đạt khoảng 20% so với dự kiến là 25%).

Về kinh phí: Nhìn chung kinh phí của Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hằng năm nhu cầu đề xuất thực hiện các dự án của các địa phương là rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước dành cho Chương trình còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

Công tác truyền thông cho các mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN có hiệu quả thực hiện tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ mạnh mẽ sự lan tỏa của mô hình ứng dụng công nghệ sau khi dự án kết thúc.

Chương trình đã áp dụng những cách làm nào để tăng cường sự tham gia chủ động của người dân và phát huy được lợi thế so sánh từng vùng miền?

Để chuyển giao thành công và duy trì sức lan tỏa của các công nghệ được chuyển giao, chúng tôi chủ trương chú trọng ngay từ đầu khi lựa chọn, xây dựng dự án cần phải:

Ưu tiên các dự án phát huy được thế mạnh của địa phương trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, có lợi thế để xây dựng được mô hình phải có hiệu quả, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp; Các công nghệ được lựa chọn ứng dụng trong dự án phải có tính phù hợp năng lực, trình độ tiếp thu ở địa phương. Tức là các công nghệ đó địa phương phải ”tiêu hóa” được trong điều kiện cụ thể về kiến thức, kinh nghiệm và điều kiện tài chính cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật.

Khi xây dựng dự án, đặt lợi ích lâu dài của người dân lên đầu tiên với phương châm “cho chiếc cần câu” chứ không phải là “cho con cá”. Tức là luôn luôn phải tính đến tính lan tỏa, sự bền vững của dự án. Cần minh bạch hóa các nội dung, cách làm của dự án để người dân tin tưởng tham gia.

Cố gắng lôi kéo các doanh nghiệp tham gia dự án. Các dự án ở vùng sâu vùng xa lại càng cần có doanh nghiệp là hạt nhân để tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới (giống, canh tác) đến chế biến, bảo quản và thương hóa các sản phẩm. Khi có doanh nghiệp tham gia, lo đầu ra cho sản phẩm thì nông dân sẽ yên tâm hơn để tham gia; thương hiệu sản phẩm ngày càng phát triển thì sản xuất sẽ bền vững, sẽ có sức lan tỏa lâu dài.

Chúng tôi yêu cầu các dự án đều phải xây dựng phương án nhân rộng; các địa phương đều phải xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Ngoài ra, Chương trình cũng tăng cường các hoạt động truyền thông như tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo đầu bờ, thông tin trên loa, đài, báo chí... để người dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng KH&CN để từ đó làm theo.

Những bài học rút ra về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ từ quá trình thực hiện Chương trình này?

Hiện nay chưa có đúc rút nào về những bài học kinh nghiệm trong quản lý Chương trình Nông thôn miền núi, kể cả trong các báo cáo tổng kết giai đoạn của Chương trình. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác của bản thân tôi thấy để nâng cao hiệu quả của Chương trình thì cần chú ý một số vấn đề sau:

Các dự án thuộc Chương trình phải được lựa chọn sao cho tập trung hướng vào phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm hoặc là các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh cao của địa phương thì khả năng lan tỏa sau này mới tốt.

Các công nghệ chuyển giao phải có tính phù hợp cao với địa phương. Không nhất thiết lúc nào cũng phải là công nghệ cao, song nơi nào có điều kiện thì cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Các tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ phải là tổ chức có công nghệ (sở hữu hoặc nắm vững và được phép chuyển giao), có đủ năng lực về nguồn nhân lực KH&CN và đã có nhiều kinh nghiệm chuyển giao công nghệ.

Việc hỗ trợ tài chính cho chuyển giao công nghệ cần phải tạo được sự hấp dẫn để thu hút các nhà khoa học trong nước và kể cả nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ cho các dự án thuộc Chương trình; đặc biệt là cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

Chú trọng các dự án có sự tham gia của doanh nhiệp, nhất là doanh nghiệp tham gia với ý nghĩa là hạt nhân tổ chức ứng dụng các tiến bộ KH&CN để sản xuất hàng hóa nông- lâm- thủy sản, công nghiệp nông thôn theo chuỗi giá trị.

Khi dự án triển khai ở địa phương nào, cần huy động được hệ thống chính trị ở nơi đó quan tâm tạo điều kiện hoặc tham gia triển khai thực hiện thì hiệu quả của Chương trình sẽ tốt hơn; phải xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc tổ chức nhân rộng công nghệ từ kết quả thực hiện dự án thuộc Chương trình tại địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Một số kết quả chính của Chương trình

Triển khai thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015, từ năm 2016 đến năm 2018 có 286 dự án đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt cho triển khai thực hiện, trong đó tổng số dự án do TW quản lý là 231 và số dự án do địa phương quản lý là 55.

Trong tổng số các dự án triển khai thực hiện trong 3 năm 2016-2018, có 168 dự án có Tổ chức chủ trì là doanh nghiệp (57,9%); 96 dự án thực hiện ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (33,1%); 53 dự án dự án có mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân (chiếm 19,0%).

Dự kiến khi kết thúc các dự án, sẽ có trên 1.300 công nghệ mới được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất; xây dựng được hơn 1.000 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 4.700 cán bộ kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật cho 53.000 lượt người dân.

Qua kiểm tra các dự án triển khai từ 2016 cho thấy, nhiều dự án bước đầu đã cho kết quả rất tích cực, được các địa phương coi là các mô hình điểm tiêu biểu để tổ chức học tập, nhân rộng cả về tiến bộ công nghệ và cả về cách thức tổ chức thực hiện.

Một số dự án tiêu biểu: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên”- đã làm tăng năng suất đạt trên 120 tấn/ha (gấp 6 lần công nghệ nuôi thông thường), giảm lượng nước sử dụng 90% so với định mức của Bộ NN&PTNT, hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần;

“Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Ô Long và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu”- đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất với hơn 2.000 hộ nông dân, giải quyết được hơn 4.000 lao động trong vùng;

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhân giống, sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tại Hải Dương” đã chuyển giao các quy trình công nghệ trồng, sơ chế và bảo quản các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP với hạt nhân liên kết là Công ty TNHH Hưng Việt (xã Gia Tân huyện Gia Lộc) vệ tinh là các HTX và xã viên.

Mỗi ngày công ty thu mua và xuất bán từ 250 – 300 tấn rau quả các loại cung cấp cho các bếp ăn tập thể và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…doanh thu ước đạt 300 tỷ đồng/năm...