Ngoài những yếu tố về chăm sóc, cây giống, chất lượng quýt Bắc Kạn còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đất đai.

1. Vùng địa lý

Tên gọi tự nhiên và hành chính của vùng địa lý

Bắc Kạn là một tỉnh nằm ở Đông Bắc, khu vực miền núi Phía Bắc Việt Nam, được tái lập năm 2003. Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang.

Tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính bao gồm 7 huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Pắc Nặm và thị xã Bắc Kạn. Khu vực địa lý của quýt Bắc Kạn có tọa độ địa lý từ 22 độ 05’53” đến 22 độ 29’24” vĩ độ Bắc và từ 105 độ 28’36” đến 105 độ 59’08” kinh độ Đông thuộc địa phận của 3 huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể.

Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” là vùng có cùng điều kiện đặc thù (yếu tố tự nhiên, yếu tố con người) quyết định đến chất lượng của quýt “Bắc Kạn”, bao gồm xã: Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong thuộc huyện Bạch Thông; xã: Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên thuộc huyện Chợ Đồn; xã: Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam.

Xuất xứ của sản phẩm cuối cùng (tức quýt quả đã được dán nhãn, đóng gói) được ghi nhận là tỉnh Bắc Kạn thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Vườn quýt Bắc Kạn xanh tốt. Ảnh: Sonnptnt.
Vườn quýt Bắc Kạn xanh tốt. Ảnh: Sonnptnt.

2. Yếu tố tự nhiên

Quýt là cây trồng Á nhiệt đới nên cần nhiệt độ thấp vào mùa đông và nhiệt độ , độ ẩm cao vào mùa hè. Cây quýt cũng là loại cây ưa ánh sáng đầy đủ, thiếu ánh sáng cây sinh trưởng kém, khó phân hoá mầm hoa, ít quả, dẫn đến năng suất thấp. Cùng với đó, trong mối quan hệ tổng hợp nhiều chiều, chất lượng quýt Bắc Kạn bị ảnh hưởng bởi tính chất cơ lý và hóa học của đất. Tính chất cơ lý của đất gồm có dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, độ ẩm, cấp hạt. Do đó, điều kiện cụ thể về tự nhiên trong khu vực địa lý thích hợp đối với việc trồng cây quýt mang chỉ dẫn địa lý được mô tả cụ thể như sau:

Đặc điểm địa hình

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, Bắc Kạn có địa hình khá phức tạp và đa dạng, diện tích đồi núi chiếm tới 80% diện tích tự nhiên, địa hình hiểm trở và bị chia cắt mạnh, đất bằng chiếm diện tích nhỏ phân bố thành các dải hẹp, kẹp giữa các giải đồi núi cao hai bên. Có các loại địa hình sau:

Địa hình vùng núi cao: Kiểu địa hình này tạo thành dải nằm dọc theo biên giới phía Tây đến phía Bắc tỉnh thuộc huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn và Nà Rì. Xen vào đó có các dãy núi cao là ranh giới giữa huyện Bạch Thông, Ba Bể và Bắc Chợ Đồn. Vùng này các khối granit xâm nhập thường có độ dốc lớn, đỉnh nhọn và cao nhất vùng. Các núi cát kết, phiến sét hình thái mềm mại hơn, các đường phân thuỷ có khi sắc sảo, rõ nét, có chỗ lại hơi bằng hoặc lượn sóng.

Địa hình vùng đồi núi thấp: Chạy dọc theo quốc lộ 3 và các tuyến đường đi các huyện trong tỉnh. Địa hình vùng này đỡ phức tạp hơn, độ cao dưới 700m độ dốc thấp hơn vùng trên, thảm thực vật tự nhiên nghèo, chủ yếu là rừng thứ cấp và rừng trồng. Do độ che phủ giảm, lại nằm trong vùng mưa nhiều, nên xói mòn rửa trôi trên đất dốc xảy ra khá mạnh mẽ.

Địa hình núi đá vôi: Núi đá vôi ở Bắc Kạn thuộc cánh cung Ngân Sơn. Quang cảnh các núi đá vôi rất hùng vĩ, vách đá dựng đứng cheo leo, đỉnh lởm chởm, răng cưa nhọn hoắt. Trong vùng núi đá vôi xuất hiện suối ngầm (hiện tượng Kazastơ) nên thường gây mất nước trong mùa khô. Tiếp sau vùng núi cao là vùng đất đá vôi xen kẽ giữa các núi đá vôi là các đồi núi đất đỏ vàng trên đá phiến sét và phiến sa, địa hình đỡ phức tạp và hiểm trở hơn.

Thung lũng kiến tạo - xâm thực: Kiểu địa hình này chiếm một diện tích nhỏ nhưng có nhiều thuận lợi cho khai thác nông nghiệp. Xen giữa các dãy đồi núi lànhững dải đất thấp khá bằng phẳng trồng lúa, màu khá tốt như cánh đồng Nam Cường, Phương Viên, Đông Viên (Chợ Đồn); Thượng Giao, Mỹ Phương (Ba Bể); Nà Khoang, Bằng Khâu (Ngân Sơn); Lục Bình, Mỹ Thanh (Bạch Thông). Cấu tạo địa chất vùng này khá phức tạp gồm từ đá biến chất (huyện Ngân Sơn); đá vôi (huyện Nà Rì); đá granit (huyện Ba Bể).

Khu vực địa lý nơi những cây quýt Bắc Kạn sinh trưởng lâu đời đều là khu vực có dạng địa hình đồi núi thấp và dạng địa hình đồng bằng xen đồi, các khe dốc tụ có độ cao tuyệt đối dưới 500m. Dạng địa hình đồi núi cao được coi là không thích hợp cho cây quýt sinh trưởng, và vì vậy dạng địa hình này không phải là yếu tố đem lại tính chất/chất lượng đặc thù cho sản phẩm.

Ảnh: Backantv.
Ảnh: Backantv.

Đặc điểm về đất đai

Cây quýt Bắc Kạn phân bố ở những khu vực có độ cao dưới 700m, đặc biệt phân bố nhiều ở những khu vực có độ cao <500m nên theo quy luật đai cao, nhóm đất chính của vùng quýt Bắc Kạn là nhóm đất Feralit. Nhóm đất Feralit có đặc trưng là đất có màu đỏ vàng.

Tùy vào nguồn gốc hình thành từ nhiều loại đá mẹ khác nhau mà 3 huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể có các loại đất Feralit đỏ vàng như: đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất Feralit vàng đỏ trên phiến thạch sét, đất Feralit vàng trên đá Mắcma axit…

Tuy nhiên những khu vực được đánh giá phù hợp với cây quýt Bắc Kạn là những khu vực có loại đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất. Đây là loại đất được phong hóa từ đá mẹ có cấu tạo kém bền vững, phiến đá mềm dễ phân hủy, trong khi địa hình có độ dốc vừa phải, vì vậy tầng đất dày và đất thoát nước tốt. Loại đất này còn có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình.

Trong mối quan hệ tổng hợp nhiều chiều, chất lượng quýt Bắc Kạn bị ảnh hưởng bởi tính chất cơ lý và hóa học của đất. Tính chất cơ lý của đất gồm có dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, độ ẩm, cấp hạt. Tính chất hóa học của đất gồm có độ chua trao đổi pHKCL, độ chua hiện tại pHH2O, hàm lượng mùn (OM), khả năng trao đổi cation (CEC), hàm lượng đạm tổng số, hàm lượng lân tổng số, hàm lượng kali tổng số, hàm lượng lân dễ tiêu, hàm lượng kali dễ tiêu, hàm lượng Magie và hàm lượng sắt.

Mặc dù tất cả các tính chất cơ lý và hóa học của đất đều có ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, tuy nhiên xét về mối quan hệ đơn lẻ, chất lượng đặc thù của sản phẩm được quyết định bởi một số tính chất cơ lý và hóa học của đất. Cụ thể:

Hàm lượng chất khô của quả được quyết định bởi tỷ trọng và độ chua hiện tại pHH2O; Hàm lượng đường tổng số được quyết định bởi tỷ trọng và hàm lượng mùn; Hàm lượng Vitamin C được quyết định bởi hàm lượng sắt; Hàm lượng axit tổng số được quyết định bởi hàm lượng Magie; Độ Brix được quyết định bởi độ chua trao đổi pHKCL và hàm lượng kali đễ tiêu; Hàm lượng nước được quyết định bởi hàm lượng kali tổng số và kali dễ tiêu.

Như vậy, đặc thù về đất trồng quýt đó là đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất là loại đất. Đây là loại đất được phong hóa từ đá mẹ có cấu tạo kém bền vững, phiến đá mềm dễ phân hủy, trong khi địa hình có độ dốc vừa phải, vì vậy tầng đất dày và đất thoát nước tốt. Đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình.