Nhiệt độ môi cao tạo mức độ bốc hơi nước nhanh, kết hợp với tốc độ gió lớn làm nước được đảo nhiều đã giúp mức độ bốc hơi nước càng tăng nhanh giúp muối Bạc Liêu có độ mặn rất cao.

Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm 27 độ C, tổng lượng nhiệt hàng năm 9.425 độ C, trung bình đạt 160 Kcalo/cm2/năm. Nhiệt độ không khí cao nên khả năng bay hơi nước càng nhanh, đồng nghĩa với việc kết tinh ra muối cũng nhanh, làm cho năng suất cũng tăng.

Số giờ nắng trung bình dao động từ 2.273 – 2.523,5 giờ. Lượng bức xạ mặt trời tương đối ổn định, bức xạ cao nhất vào tháng 4 đo được trung bình 140 Kcal. Với nhiệt độ trung bình từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau trên 27 độ C, đây là điều kiện giúp lượng nước bốc hơi lớn, với khoảng 122,7 mm hàng tháng. Điều kiện này giúp cho quá trình hình thành muối khá nhanh, giúp cho muối kết tinh sớm, rắn chắc và có độ cứng.

Lượng mưa trung bình tại Bạc Liêu là 2.213 mm. Lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian, từ tháng 1 đến tháng 4 hầu như không có mưa. Đây là thời gian thuận lợi cho sản xuất muối.

Thu hoạch muối. Ảnh:
Thu hoạch muối dưới trời nắng. Ảnh: Tinh hoa.

Tốc độ gió trung bình trong đất liền 3 – 4 m/s khá thuận lợi cho quá trình bốc thoát hơi nước từ các trảng chứa, sân bay hơi và quá trình kết tinh muối.

Độ ẩm tại Bạc Liêu liên quan mật thiết với chế độ mưa và gió trong năm. Có sự khác biệt theo mùa rõ rệt, độ ẩm trung bình mùa khô 80%, mùa mưa 86%.

Độ ẩm tương đối không khí trong năm giảm thấp vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau điều này xảy ra đồng thời với lượng mưa thấp và số giờ nắng cao. Khoảng thời gian này thuận lợi cho sản xuất muối bằng phương pháp phơi nước vì lượng bốc hơi cao sẽ đưa đến tốc độ lắng cao.

Ven biển phía Đông của Bạc Liêu chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều biển Đông, với biên độ trung bình 1,9 m (cao nhất 3,5 m). Nước biển trong mùa khô ít bị pha loãng nên có nồng độ cao giúp rút ngắn thời gian phơi chạt. Mặt khác lượng nước sông Mê Kông đổ ra biển ít hơn và không mang phù sa làm ảnh hưởng màu sắc, chất lượng hạt muối.