Yếu tố con người có vai trò quan trọng, thể hiện qua những kỹ thuật của người dân từ công đoạn nhân giống, chăm sóc và thu hoạch. Bưởi Phúc Trạch chỉ giữ được chất lượng ban đầu khi nhân giống bằng phương pháp triết cành.

1. Yếu tố tự nhiên

Đặc điểm về địa hình và đất đai

Khu vực địa lý được phân bố trong địa hình lòng chảo, trên những dải đất có độ cao 10– 40m, độ dốc dưới 15o, được bao bọc bởi 2 dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn.

Xã Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối - ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên ngọn núi của dãy Giăng Màn. Phía Đông xã Phúc Trạch là sông Ngàn Sâu, con sông lớn nhất của Hương Khê chảy qua bồi đắp phù sa tạo nên những mảnh vườn tốt tươi, trù phú.

Điều kiện khí hậu

Do được bao bọc bởi hai dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn nên tần suất xuất hiện gió Lào và tốc độ gió tại khu vực địa lý ít và chậm hơn các vùng phụ cận, hạn chế bớt tác hại của gió lào đến chất lượng quả bưởi.

Dãy núi Trường Sơn. Ảnh: Xemgm.
Dãy núi Trường Sơn. Ảnh: Xemgm.

Dãy núi Trường Sơn nằm ở sườn phía Tây ngăn cách với Lào với độ cao 800-1510m đã làm cho các đợt gió thổi từ Lào sang khô và nóng, gây khô hạn từ cuối xuân sang giữa thu. Dãy núi Trà Sơn nằm ở sườn phía Đông với độ cao 100-350m làm cho vùng trồng bưởi không thông ra biển, hạn chế đối lưu không khí giữa Hương Khê với biển Đông làm cho biên độ nhiệt độ vùng Hương Khê rất lớn.

Tuy nằm giáp biên giới Việt – Lào, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió Lào (khô nóng) nhưng vùng trồng bưởi Phúc Trạch được bảo vệ gần như khép kín bởi 2 dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn. Vì vậy, tần suất và tốc độ gió Lào tại Hương Khê ít và nhẹ hơn các vùng phụ cận, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng quả.

Như vậy, do những đặc thù về địa hình, nhiệt độ cao nhất trong các thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 , trùng với thời kỳ quả bưởi Phúc Trạch phát triển và tích lũy dinh dưỡng. Nhiệt độ tối thấp của Hương Khê luôn luôn thấp hơn Hà Tĩnh qua các tháng và do đó biên độ nhiệt độ tối thấp – tối cao của Hương Khê luôn luôn lớn hơn Hà Tĩnh. Sự biến động nhiệt độ tối cao – tối thấp đã làm cho bưởi Phúc Trạch có được mùi vị và hương thơm đặc trưng chỉ có được với những cây bưởi được trồng trong khu vực lòng chảo này.

2. Yếu tố con người

Kinh nghiệm, kỹ năng của người dân được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với các kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là khả năng bảo vệ quả bưởi trước nắng gió khắc nghiệt của khu vực miền Trung, kỹ thuật trong bảo quản và làm chín bưởi tối ưu là những giá trị chỉ những người dân trong khu vực này mới có được.

Yếu tố con người có vai trò quan trọng, thể hiện qua những kỹ thuật của người dân từ công đoạn nhân giống, chăm sóc và thu hoạch. Bưởi Phúc Trạch chỉ giữ được chất lượng ban đầu khi nhân giống bằng phương pháp triết cành.

Người dân Phúc Trạch có kinh nghiệm lâu năm trồng bưởi. Ảnh: Hội đồng hương Hương Khê.
Người dân Phúc Trạch có kinh nghiệm lâu năm trồng bưởi. Ảnh: Hội đồng hương Hương Khê.

Kinh nghiệm của người dân cho thấy, trong quá trình chăm sóc, bưởi phải được bón vôi và phân chuồng thì chất lượng quả mới ngon. Phải có tủ gốc cây từ tháng 6 đến tháng 8 để chống hạn, phơi gốc từ tháng 9 đến tháng 12 để thoát ẩm, chống nấm gốc.

Đề tăng khả năng đậu quả, người dân phải trồng các loại cây hỗn giao: như giống bưởi khác, mít, gió trầm... và vành đai chắn gió. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kết hợp, phun định kỳ trước khi ra hoa và sau khi đậu quả; Thụ phấn bổ sung bằng hạt phấn của cây bưởi chua.

Bảo quản quả trước thu hoạch bằng cách kết lá cọ thành tấm che nắng phía Tây chiếu trực tiếp vào quả. Bảo quản quả sau thu hoạch bằng cách bôi vôi vào cuống quả để trên sàn nhà, hoặc trên giàn, hoặc vùi vào cát ½ quả bưởi.