Ngoài dừa, ở Bến Tre còn có một đặc sản ai ăn một lần cũng thấy nhớ, đó là chuối sáp nghệ. Loại chuối này đặc biệt ở chỗ chỉ trở nên tròn vị khi đã được luộc lên.

Bổ dọc quả chuối sẽ thấy rãnh mật vàng óng ở giữa; thịt chuối vàng như nghệ, dẻo quánh và ngọt đậm đà. Sự xấu mã - hạn chế duy nhất ngăn sản vật này xuất ngoại - cũng đang được khắc phục bằng các giải pháp khoa học.

Chuối sáp. Ảnh: Trung Huỳnh

Độc đáo từ màu sắc, hương vị đến cách ăn

Ở TPHCM, rất dễ bắt gặp những xe chuối sáp luộc Bến Tre theo chân người bán đi tới từng hang cùng ngõ hẻm, hay những gánh hàng rong có nải chuối sáp mà khách mua bao nhiêu thì người bán cắt bấy nhiêu. Sản vật này cũng theo chân thương lái đi khắp các tỉnh, thành. Trao cho khách nải chuối giá từ 30.000-45.000 đồng/kg, người bán thường không quên dặn, chuối này phải luộc lên mới ngon, nóng hay nguội đều ngon cả, nhưng tuyệt nhất là để lạnh ngọt vô cùng.

Ông Huỳnh Văn Trung - quản lý cửa hàng thực phẩm Okfood, nơi phân phối sản vật này ở TPHCM - cho biết, mỗi ngày cửa hàng giao buôn từ 200-300kg chuối sáp đi các tỉnh phía Bắc và bán lẻ từ 30-50kg. “Quả chuối sáp bằng 2-3 ngón tay chụm lại, có góc cạnh. Khi chín, vỏ có màu vàng sẫm. Chuối chín luộc từ 15-20 phút đến khi vỏ nứt là đã chín đều” - ông Trung nói và cho biết hiện cửa hàng chủ yếu nhập chuối từ nhà vườn ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ông Đặng Văn Hiểu - ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre, chủ 4ha chuối sáp - cho biết, mỗi tuần, ông thu hoạch khoảng 1,5 tấn. “Suốt 10 năm qua, gia đình tôi chưa bao giờ ế hàng. Cây cho trái tới đâu tiêu thụ hết tới đó, giá chuối tại vườn cũng ổn định ở mức 7.000- 9.000 đồng/kg” - ông Hiểu tiết lộ.

Khắc phục tình trạng xấu mã để xuất khẩu

Ông Huỳnh Văn Trung cho biết, dù chuối sáp Bến Tre rất ngon nhưng trong năm 2016, ông đã thất bại trong việc xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc do chất lượng chuối không đồng đều và mẫu mã chưa đẹp. “Chuối sáp Bến Tre có nhược điểm là khi già trái, rệp thường bám quanh nải khiến vỏ bị rám đen, trong khi tiêu chuẩn xuất khẩu là trái đẹp, đều quả. Tôi sẽ phối hợp với các nhà vườn khắc phục vấn đề này” - ông Trung chia sẻ.

Với kinh nghiệm trồng chuối 10 năm, ông Đặng Văn Hiểu tiết lộ: “Cây chuối sáp chỉ ưa đất tơi xốp có mùn và phù sa. Đất càng tốt thì trái càng lớn và đều. Vì thế, chúng tôi áp dụng quy trình trồng: Mỗi khu đất chỉ lấy trái 5-6 lần là bứng gốc ra chỗ khác để đắp bùn, ủ phân cho đất nghỉ; sau khoảng thời gian tương đương 5-6 lần thu hoạch mới bứng gốc về trồng lại. Cách làm này giúp đất luôn được bồi thêm dinh dưỡng nhờ ủ phân chuồng và chăm sóc thường xuyên. Cây cho trái to, đều, chất lượng tốt”.

Đối với vấn đề chuối xẫu mã, ông Hiểu cho biết sẽ kết hợp với Okfood để bao trái bằng túi nylon từ khi con bé, tránh bị rệp tấn công khi già quả, bảo đảm tiêu chuẩn hình thức để xuất khẩu.

“Chuối vốn là cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh nên không phải xịt thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, chuối sáp gần như sạch 100%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với nhà vườn để hướng dẫn họ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Bên cạnh đó, giống chuối cũng sẽ được tuyển chọn lại để vẫn giữ chất lượng mà trái lại lớn hơn, đồng đều hơn” - ông Trung nhấn mạnh.

Là người chuyên nghiên cứu phục tráng các giống chuối bản địa, kỹ sư Võ Thanh Truyền - Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre - cho biết: “Người nông dân có thói quen sử dụng giống truyền thống, chưa sạch bệnh nên trái bị virus và rệp tấn công. Hiện chúng tôi đã nhân thành công giống chuối sáp sạch bệnh bằng nuôi cấy mô và khuyến cáo bà con nên sử dụng. Giống này cho năng suất cao hơn 20-30% so với giống truyền thống”.

Ông Truyền cũng cho biết, bà con thường để quá nhiều cây chuối trong một bụi, khiến cây thiếu dinh dưỡng, trái bé, xấu, không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cách trồng tốt nhất là một bụi chỉ để một cây và sử dụng phân bón hữu cơ thay vì phân vô cơ. “Bà con nên áp dụng quy trình bón phân đúng lúc, đúng hàm lượng theo từng giai đoạn phát triển của cây. Nên sử dụng phân hữu cơ, đồng thời gia tăng tro trấu (đốt từ rơm rạ) bón cho cây để trái to, ngọt, đẹp hơn” , kỹ sư Truyền nói.