Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim bắt đầu được người dân Tiền Giang đưa vào trồng những năm đầu thế kỷ 20. Đến nay, loại trái cây này đã tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Vú sữa lò rèn gắn bó với vùng đất Vĩnh Kim từ những năm đầu thế kỷ 20. Trước giải phóng, mỗi khi đến mùa vú sữa, vùng Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. Nông dân mang vú sữa trong vườn ra chợ bán, còn thương lái vận chuyển vú sữa lên Sài Gòn bán.

Dân Sài Gòn “mê” vú sữa Lò Rèn để làm quà biếu, chưng rất sang trọng. Nhiều thi sĩ nỗi tiếng thời bấy giờ mỗi khi hội tụ về Vĩnh Kim đàm luận thơ ca, thưởng thức trái vú sữa ngọt lịm, rồi mang nó vào cả thơ ca, văn phú.

Sau năm 1975, cây vú sữa phải trải qua những giai đoạn thăng trầm theo thị trường. Đến thập niên 1990, cây vú sữa mới phát triển trở lại do Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế vườn.

Ảnh: Chauthanhtgradio.
Ảnh: Chauthanhtgradio.

Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, một loại trái cây ngon mọi người dân Nam Bộ và quốc gia đều biết đến và hiện nay được trồng ở qui mô công nghiệp, nhưng giống vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim gắn với vùng đất đặc biệt này vẫn được người dân gìn giữ, đặc biệt cây vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim được trồng từ hạt của cây vú sữa đầu tiên.

Đến nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang chiếm 10% diện tích cây ăn quả cả nước, cho sản lượng gần 900 nghìn tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm 24% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; trung bình mỗi ha đất trồng cây ăn quả có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm.

Năm 2005, Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ra đời, HTX đã xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, đến 4/2008 HTX đã được cấp chứng chỉ Global GAP (Tài liệu bổ trợ số 6 và Tài liệu bổ trợ số 7). Đến nay, ngoài thị trường trong nước, vú sữa lò rèn đã được xuất khẩu sang các thị trường như Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Úc, Nhật, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc.