Hà Giang đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc với cây ăn trái chủ lực là cam sành góp phần tránh hàng giả và nâng cao giá trị sản phẩm, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn những trở ngại nhất định.

Mã QR trên cam Hà Giang và thông tin của sản phẩm khi quét mã. Ảnh: PV
Mã QR trên cam Hà Giang và thông tin của sản phẩm khi quét mã. Ảnh: PV

Là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, chỉ trong vòng vài năm trở lại, Hà Giang đã có một sự thay đổi tư duy nông nghiệp lớn từ việc sản xuất đơn lẻ, lạc hậu chuyển sang hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn dựa trên lợi thế so sánh và đặc biệt có ý thức xây dựng chất lượng, bảo hộ sản phẩm của mình. Trong đó cam sành Hà Giang – loại cây trái đặc sản, quả to tròn, mọng nước, vỏ dày, dễ bảo quản – đang được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, gần 90% sản lượng cam sành của Hà Giang được bán ra ngoại tỉnh, sản lượng cam vụ 2018-2019 đang ở mức trên 62 nghìn tấn, chiếm khoảng 6% sản lượng cam cả nước; trong đó sản lượng cam đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP chiếm đến hơn 56% tổng sản lượng cam của tỉnh.

Mặc dù là thương hiệu đã tạo dựng được uy tín trên thị trường và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2016, cam sành Hà Giang cũng như một số loại nông sản nổi tiếng khác luôn phải đối mặt với câu chuyện bị mạo danh và được mùa mất giá.

Ngay tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hồ Chí Minh, việc tiếp cận được với các sản phẩm cam chính hiệu lại không hề dễ dàng. Trên đường phố có thể bắt gặp hàng loạt cửa hàng treo biển “Cam sành Hà Giang” với nhiều mức giá khác nhau mà khách hàng không biết chắc được từ đâu ngoài việc phải tin lời người bán hoặc chấp nhận rủi ro. Điều này đã khiến cam sành Hà Giang bị ảnh hưởng giá trị và uy tín, đồng thời gây tổn thất cho cả người nông dân cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng đang tìm cách xuất khẩu cam sành ra nước ngoài, trong khi mọi thị trường có giá trị cao đều đòi hỏi chứng nhận an toàn và truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy trong quá trình xây dựng chuỗi liên tục từ sản xuất đến tiêu thụ, chính quyền và các hội nông dân, hội cam sành, hợp tác xã cam sành tại Hà Giang đã bắt đầu chú trọng vào việc bảo vệ thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, một trong những biện pháp đang được áp dụng là dán tem truy xuất điện tử lên từng quả cam.

Ông Vũ Hoài Nam, trưởng phòng kinh doanh VNPT Hà Giang và là đơn vị cung cấp tem truy xuất VNPT Check cho cam cho biết, khác với sử dụng mã vạch thường dành cho cả một lô hàng như nhau, tem truy xuất sử dụng mã QR dán lên từng trái, khiến mỗi quả cam có một định danh duy nhất có thể kiểm tra bằng smartphone. Do in bằng chất liệu tem vỡ nên mỗi tem chỉ có thể dùng một lần mà không thể tái sử dụng dán cho sản phẩm giả khác. Sau khi mua cam dán tem truy xuất, khách hàng không chỉ tiếp cận được những thông tin cơ bản (tên sản phẩm, hộ sản xuất, số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, thành phần của sản phẩm…) mà còn có thể vô hiệu hóa thông tin của tem trên hệ thống, ngăn ngừa việc tái sử dụng tem vào mục đích gian lận.

Năm 2017, với sự hỗ trợ tài chính để dán tem của chính quyền tỉnh Hà Giang, 35 doanh nghiệp, HTX trồng cam VietGAP đầu tiên tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã dán trên 1,4 triệu tem QR code của VNPT Hà Giang. Sang năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã ý thức bảo vệ mình và chủ động đăng ký theo nhu cầu, nâng tổng số đơn vị sản xuất, tiêu thụ sử dụng tem tại Hà Giang lên đến 60 doanh nghiệp. Dựa trên sản lượng năm 2018, Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Cam sành Hà Giang, cho biết lượng tem truy xuất đăng ký năm nay có thể đạt từ 2 – 2,5 triệu tem. Theo ông Lân, việc sử dụng tem truy xuất có chi phí không quá cao (khoảng 350đồng/tem) trong khi hiệu quả kinh tế đem lại khiến giá cam tăng thêm từ 20 - 30% cho các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả bước đầu đó, việc mở rộng sử dụng tem truy xuất của cam sành Hà Giang cũng không dễ dàng. Ngoài lượng tem mà các HTX, Tổ sản xuất cam VietGAP đăng ký được nhà nước hỗ trợ, các hộ có nhu cầu thêm phải tự chi trả và vẫn còn rất ít nhà vườn tự bỏ tiền in ấn. Bởi vì kênh tiêu thụ truyền thống của nông dân là các thương lái bán lẻ - những đối tượng khách hàng hiếm khi yêu cầu đến bằng chứng gốc gác, dẫn đến việc các nhà vườn cũng không dán tem vào sản phẩm.

Chỉ gần đây, Cam sành Hà Giang bắt đầu có thêm các kênh bao tiêu như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, doanh nghiệp xuất khẩu… trong đó các đối tác thường yêu cầu sản phẩm có dán tem nhãn đầy đủ để người tiêu dùng tin tưởng, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo địa phương thì các kênh này vẫn chưa ổn định và số lượng sản phẩm tiêu thụ chưa cao. Thực chất, tổng số lượng tem truy xuất dự kiến đăng ký cho mùa vụ năm 2018-2019 này mới chỉ đáp ứng khoảng 1-2% lượng cam của tỉnh. Việc người nông dân chưa thấy hết được giá trị trong công tác bảo vệ sản phẩm dẫn đến lỗ hổng cho việc trà trộn hoặc nhầm lẫn với các sản phẩm khác và có thể gây ảnh hưởng cho toàn bộ thương hiệu của địa phương. “Nếu những sản phẩm nông nghiệp tốt bị thả nổi thì sẽ rất dễ bị mất giá trị thương hiệu”, ông Vũ Hoài Nam nêu ý kiến, “Nhà nước nên xem xét việc quy định bắt buộc về truy xuất hàng hóa.”

Việc ứng dụng các công cụ công nghệ để bảo vệ thương hiệu địa phương đã và sẽ đem lại nhiều lợi ích: không chỉ giúp tăng cường kiểm soát chuỗi cung cho người sản xuất, đảm bảo minh bạch thông tin cho người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản lý nhà nước của địa phương. Về lâu về dài, cam sành Hà Giang sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng các công nghệ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp như trên là một bước đi cần thiết.