Chỉ trong 5 năm trở lại đây, ngành y tế Quảng Ninh đã mạnh dạn mời giáo sư, tiến sỹ, bác sĩ đầu ngành tuyến trung ương về trực tiếp khám - chữa bệnh, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho các y - bác sĩ địa phương.

Ngành y tế Quảng Ninh không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Anh Tuấn
Ngành y tế Quảng Ninh không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Anh Tuấn
Với phương châm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh “Bệnh viện trung ương có thiết bị gì thì bệnh viện tuyến tỉnh Quảng Ninh có thứ ấy” nên thời gian qua, hệ thống các bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản - Nhi và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành không ngừng được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Dự kiến, cuối năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động trung tâm ung bướu, trung tâm tim mạch.
Một bệnh nhân mổ ruột thừa - bà Lê Thị An, phường Cao Thắng, TP. Hạ Long- đã không khỏi xúc động khi nói về sự thay đổi của ngành y tế Quảng Ninh hiện nay so với những năm gian khó mà bà đã trải qua. Sau khi mổ, bà được nằm phòng riêng, được phục vụ chu đáo mà người nhà không phải mất quá nhiều công sức chăm sóc, cơm nước. Đó là điều bà An không ngờ tới sau 10 năm quay trở lại bệnh viện tỉnh Quảng Ninh.
Tiên phong là Bệnh viện Bãi Cháy với những đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y - bác sĩ; sau 5 năm, hiện nay các bệnh viện ở Quảng Ninh đều được lắp đặt đầy đủ thiết bị hiện đại, công nghệ cao như: Máy chụp mạch xoá nền, chụp cộng hưởng từ 1,5 tesla, chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, hệ thống xét nghiệm miễn dịch tự động, hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử real-time PCR,… Việc đào tạo, chuyển giao công nghệ đi song hành với tiếp nhận thiết bị.
Do đó, cán bộ nhân viên trong bệnh viện đều nhanh chóng làm chủ vận hành các thiết bị hiện đại và chữa trị thành công nhiều bệnh nặng trước đây phải chuyển lên tuyến trung ương mới can thiệp được.
Nếu như trước đây, hầu hết các trường hợp khó như: Thay đốt sống cổ, thay đĩa đệm cột sống, phẫu thuật khối u sọ não, ứng dụng sản phẩm cácbon y sinh trong phẫu thuật chấn thương - chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh sọ não, thay khớp háng, khớp gối bằng kim loại; phẫu thuật cắt u phổi, cắt gan lớn, lọc máu liên tục… đều phải chuyển lên trung ương thì một vài năm trở lại đây, các bệnh viện lớn tại Quảng Ninh đã có thể thực hiện thành công.
Ông Vũ Xuân Diện - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh - cho biết: Nhờ các thành tựu y tế và đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật, thời gian qua ngành y tế Quảng Ninh đã chữa trị thành công các ca can thiệp mạch vành, 134 ca chụp và nong mạch vành, 2 ca mổ tim, 138 ca phẫu thuật cột sống, 1 ca thay đĩa đệm đốt sống, 29 ca phẫu thuật khối u sọ não, 467 ca phẫu thuật thần kinh sọ não, 169 ca thay khớp háng, khớp gối bằng kim loại; 11 ca phẫu thuật cắt u phổi, 14 ca cắt gan lớn, 5 ca phẫu thuật thực quản, 171 ca lọc máu liên tục.
Đa số các bệnh viện tuyến huyện đã xử lý được nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật nội soi ổ bụng, xử lý vết thương gan trong chấn thương, xử lý vết thương tim, phẫu thuật sọ não, thận nhân tạo và nhiều kỹ thuật khó khác…
Nhiều bệnh nhân đã thay đổi lối suy nghĩ trong việc điều trị bệnh từ việc nhất nhất phải lên các bệnh viện tuyến trung ương tới toàn tâm chữa trị ở trong tỉnh, giúp địa phương giảm tải đáng kể gánh nặng bệnh nhân dồn lên tuyến trên.
Vài năm gần đây, Quảng Ninh phát triển sâu về các chuyên khoa như nội, nhi, sản, hồi sức cấp cứu, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, nội tiết... Nhiều kỹ thuật mới từ các bệnh viện trung ương đã được đồng loạt chuyển giao về tỉnh, từ tỉnh về huyện.
Đồng thời, việc luân chuyển cán bộ y tế từ tỉnh xuống huyện, từ huyện về xã cũng giúp cho chất lượng khám - chữa bệnh ở những vùng khó khăn được nâng lên đáng kể.
Dự lễ chuyển giao kỹ thuật can thiệp, điều trị khối ngoại, tim mạch ở Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên từng nhận xét: Một trong những đột phá trong việc hiện đại hóa ngành y tế Quảng Ninh là triển khai rộng rãi các phần mềm ứng dụng quản lý như phần mềm cơ sở dữ liệu; phần mềm lấy số tự động, phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án; phần mềm quản lý hình ảnh XQ, nội soi; phần mềm thanh toán BHYT; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý bệnh án điện tử… giúp giảm các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Ngành y tế Quảng Ninh đã và đang triển khai ứng dựng truyền hình trực tuyến và hội chẩn khám - chữa bệnh từ xa với 16 điểm cầu của hầu hết các bệnh viện trong tỉnh với các bệnh viện tuyến tỉnh. Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện tỉnh hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện trung ương như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K...
hi
Hiện tại, Quảng Ninh cũng đã triển khai 10 phòng khám chất lượng cao do các chuyên gia đầu ngành trung ương trực tiếp khám - chữa bệnh; nhiều chuyên gia của các bệnh viện trung ương trực tiếp phẫu thuật tại các bệnh viện Quảng Ninh.
Với phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, tiêu chuẩn quốc tế nên Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh là một trong số rất ít các đơn vị có thể xét nghiệm chẩn đoán các bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); bệnh tay - chân - miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi; định lượng được nồng độ virút (viêm gan, HPV, HIV…); kiểm nghiệm các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động, thực phẩm…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng nhấn mạnh: Để trở thành một trong những địa phương đứng đầu, tập thể lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh luôn chủ động sáng tạo, trách nhiệm, quyết liệt đồng bộ các giải pháp từ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cùng với việc triển khai mạnh mẽ việc thu hút đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với việc nâng cao y đức, tinh thần thái độ và trách nhiệm của cán bộ y tế, nhiều kỹ thuật cao được chuyển giao từ tuyến trung ương về tỉnh, từ tỉnh về huyện.
Những thành quả này giúp người dân được hưởng lợi. Đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng quá tải đối với tuyến bệnh viện trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh hàng ngàn tâm thư của người bệnh gửi đến các y - bác sỹ các bệnh viện của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt có lá thư cảm ơn của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Theo lời kể của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc:
Rạng sáng ngày 29/4/2015, người nhà của thứ trưởng - đang nghỉ ở Tuần Châu - đã phải đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Êkíp trực sáng sớm 29/4 gồm các bác sĩ Hưng, Hoàn, Thuý, Phương cùng các điều dưỡng viên Ngỗi, Thức, Phương, Hoa và các êkíp điều trị mấy ngày tiếp theo của các bác sĩ Trường, Ngự, Trung cùng các bác sĩ và điều dưỡng viên khác (hoàn toàn không biết nhân thân của người bệnh) đã thể hiện y đức cao đẹp của người thầy thuốc, hết lòng chăm lo cho người bệnh.
Các anh chị đều còn rất trẻ - cả tuổi đời và tuổi nghề, song tinh thần trách nhiệm, sự tận tuỵ, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, thái độ hoà nhã và trên hết là tình người của các anh chị dành cho bệnh nhân đã khiến gia đình chúng tôi rất cảm động và hết sức trân trọng.