Cà đắng xưa nay là món ăn dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhưng ngày nay trở thành đặc sản. Kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên vị đắng rất riêng, đặc trưng của loại cà mọc dại này.

Ai có lần đến với vùng đất bạt ngàn nắng gió này sẽ nhớ mãi những vườn cà phê trải dài, những con người say trong tiếng nhạc cồng chiêng mời gọi, những món ăn ngon đã thưởng thức một lần thì khó quên. Không như cà đắng cây thấp tẹt dưới đất trái có vị đăng đắng đặc trưng, nhẩn nhẩn hơn khổ qua một tí, cây trổ bông kết trái quanh năm quả to hơn cà pháo, màu xanh có vân trắng.

Trước cây mọc dại rồi được người đồng bào mang về trồng xen trong những rẫy cà phê. Giờ thì có một số gia đình trồng nhiều để bán. Mà cà đắng này là loại mọc dại dọc các tuyến đường hoặc trên các triền đồi Tây Nguyên, cây cà đắng cao quá đầu người, cành lá sum suê.

Quả cà to bằng đầu ngón tay, có màu xanh, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn, cây ra hoa kết trái từ tháng 3- 10 âm lịch trái rộ nhất là từ tháng 5 trở đi. Đúng như tên gọi, loại cà này có vị đăng đắng rất đặc trưng, được người dân chế biến theo nhiều cách khác nhau. Các cư dân bản địa Ê Đê, M’ Nông, Gia Rai … xem cà đắng như món ăn không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người đồng bào.

Sau một ngày lao động vất vả trên nương lại quây quân bên nhau cùng thưởng thức bữa cơm gia đình với món cà đắng, món đặc sản của vùng núi rừng nơi đây. Hương vị đắng của cà, quyện trong vị ngọt mát của cá, vị cay của ớt cùng mùi thơm của gia vị tạo nên nét đặc trưng riêng cho ẩm thực vùng đất này, làm đắm say bao vị khách khi đến thăm mảnh đất và con người nơi đây.

Cách nấu khá đơn giản, ngoài món cà luộc ra, còn lại xào hay nấu canh người dân đều dã nhuyễn với các gia vị đi kèm như ớt, tỏi, lá é, cá khô rồi phi hành thơm lên nấu cho thật nhừ. Món ăn sau khi nấu có đủ vị đắng, cay, bùi, béo, ngọt quyện lại với nhau tạo nên hương vị đặc trưng.

Tây Nguyên có đặc sản mọc dại bên đường - Ảnh 1Món cà đắng xào với cá khô.

Nay không còn là món ăn dân dã của đồng bào Tây Nguyên, cà đắng trở thành đặc sản được nhiều nhà hàng sang trọng, khu du lịch đưa vào thực đơn để phục vụ khách hàng. Anh Y Danh Niê (người Ê đê, ở buôn Yang Làng, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chuyên phục vụ cơm nước cho khách du lịch tại Trung tâm Giáo dục dịch vụ và môi trường thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: Trong số các món ăn quen thuộc của người bản địa thì cà đắng là món được khách du lịch yêu thích và nhắc tới nhiều nhất bởi vị “đắng” rất đặc trưng chỉ có ở loại cà này. Chẳng phải ai cũng "ưng cái bụng" vị đắng của trái cà đắng. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ nghiền cái vị đắng của cà, vị mặn của cá, vị cay của ớt, vị thơm của lá é hoặc ngò gai.... Người lần đầu ăn không quen với vị đắng nhân nhẫn, nhưng sau đó sẽ bị hấp dẫn đến khó quên với vị đắng này. Du khách hay ví von ăn cà đắng giống như thưởng thức cà phê, lần đầu thấy đắng nhưng dần dần thành quen, dễ gây “nghiện”. Để phù hợp với khẩu vị của thực khách, trong quá trình chế biến, người nấu ngâm cà trong nước muối rồi chần qua nước sôi để giảm bớt vị đắng. Ngoài nấu cà đắng với cá khô theo kiểu của người đồng bào thì có thể nấu với cá tươi hoặc um với ếch, lươn, thịt dê, gà, bò… cho đa dạng món ăn. Tuy nhiên, cách nấu và các gia vị đi kèm như ớt xanh, tỏi, lá é hay ngò gai… vẫn phải giữ nguyên để không làm mất đi hương vị đặc trưng của món ăn.

Tây Nguyên có đặc sản mọc dại bên đường - Ảnh 2Cành quả và hoa cà đắng.

Nhờ vị đắng rất đặc trưng chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên nên cà đắng có dịp “lên xe” đi khắp thành phố lớn phục vụ nhu cầu của thực khách hay theo bà con kiều bào làm quà độc của quê hương. Chị Đinh Thị Ngân, ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đắh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) người chuyên hái cà đắng bán cho thương lái cho hay: Trung bình 1 tuần chị cắt 2-3 lần, mỗi lần 15-30 kg bán giá 15 nghìn đồng/kg bán cho mối trong huyện và 25 nghìn đồng/kg bán cho mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Để cà không bị dập, đen, thương lái thường gọi đặt trước để chị cắt và nhập trong ngày. Khi cắt phải cắt nguyên chùm, chọn chùm không quá non, cũng không quá già. Thời điểm hái trái cà đắng nhiều nhất là từ tháng 5 - 10 âm lịch, các tháng mùa khô cà vẫn có nhưng rất ít, thương lái đặt mua với 30 nghìn đồng/kg. Ngoài đi hái quanh đường, chị còn trồng cà đắng sau vườn để chủ động cung cấp khi thương lái đặt hàng. Dù cà mọc dại hay cà trồng thì vẫn có vị đắng như nhau bởi chúng mọc lên từ vùng đất đỏ bazan màu mỡ của Tây Nguyên.

Tây Nguyên có đặc sản mọc dại bên đường - Ảnh 3Chị Đinh Thị Ngân hái Cà đắng trồng trong vườn