Hồng không hạt Bảo Lâm là loại cây ăn quả lâu năm, lá màu xanh thẫm, mặt trên bóng loáng như lá vải nhưng to hơn. Thân gỗ cứng và khỏe. Sau khi trồng khoảng 3 - 5 năm, hồng bắt đầu bói quả và thời gian cho quả khá dài.

Hồng là loại cây có bộ rễ ăn sâu, nên thích hợp ở vùng đồi núi thoát nước, tầng đất dày, còn ở đồng bằng do mực nước ngầm quá nông nên rễ cũng ăn nông và dễ bị gió bão làm hại. Cây thay lá về mùa đông, và ra lộc vào khoảng tháng hai. Hoa nở khoảng cuối tháng 3 lúc tiết trời bắt đầu ấm nên tỷ lệ đậu quả cao, thời kỳ ra hoa kéo dài 20 - 25 ngày.

Hồng là loại cây trồng không khó tính, thích hợp với đất đồi núi, khô hạn, nghèo dinh dưỡng vẫn cho năng suất cao. Ngoài các yếu tố về giống, di truyền..., các yếu tố môi trường có ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió bão, đất đai, nước ngầm, chế độ dinh dưỡng... Các yếu tố này đều có tác dụng tương hỗ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây.

Quả hồng không hạt.
Quả hồng không hạt. Ảnh: Kienthuc.

Cây hồng là một cây định kỳ rụng lá cần có một thời gian "ngủ nghỉ" đi đôi với điều kiện nhiệt độ thấp phù hợp để phân hóa mầm hoa. Nếu nhiệt độ tối thấp tuyệt đối trong mùa Đông không đạt tới một mức thấp nhất định, cây hồng không có nghỉ Đông, không ra lộc, không ra hoa được bình thường sẽ không cho năng suất cao. Nghiên cứu của Yosimura cho rằng trong thời kỳ chuẩn bị phân hóa mầm hoa cây hồng cần nhiệt độ thấp 8 - 110C trong thời gian 886 giờ.

Hồng Bảo Lâm thuộc loài hồng trơn, cây cao trung bình 4,5 - 6,0 m, khả năng sinh trưởng trung bình. Thân cây có màu nâu sẫm, khả năng phân cành kém, cành nhỏ và ngắn. Thời gian chín rộ của quả khoảng từ 25 tháng 9 đến 15 tháng 10 dương lịch.

Về hình thái cây trồng, cây hồng không hạt Bảo Lâm có thể phân biệt với cây hồng có hạt bằng các đặc điểm như vỏ thân cây không nhăn, lá cây bé hơn và ngắn hơn.

Hồng Bảo Lâm sai quả, dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vùng núi cao, cho hiệu quả cao nên hiện đang được bảo tồn và phát triển mạnh ở các xã Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn, huyện Cao Lộc.