Khi có người đến, nắp thùng sẽ tự mở và phát ra âm thanh hướng dẫn bỏ rác đúng cách.

Đây là sản phẩm của nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng vừa nghiên cứu thành công “thùng rác thông minh” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

“Thùng rác biết nói” được Duy và các bạn nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: TH
“Thùng rác biết nói” được Duy và các bạn nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: TH

Ý tưởng tạo sản phẩm bắt nguồn từ việc hằng ngày các thành viên phải chứng kiến cảnh mọi người vứt rác ngay cạnh thùng rác và “vô tư” tiện đâu vứt đó với các thùng rác đã phân loại.

“Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng sau này như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu” - Lê Đình Duy, thành viên nhóm nói.

Từ đó, Duy và ba bạn khác cùng mày mò nghiên cứu chiếc máy để nhắc nhở mọi người đổ rác đúng quy định. Sau bốn tháng với không ít lần thất bại, nhóm đã thành công. Sản phẩm hoạt động nhờ máy mp3, cảm biến phát hiện vật thể, cảm biến siêu âm và một vài thiết bị khác.

Thùng rác được thiết kế đơn giản, hiện đại với hai thùng chứa rác, một bên đựng rác vô cơ, bên còn lại là rác hữu cơ. Khi nối nguồn điện vào thiết bị, hệ thống điện tử sẽ tự động được kích hoạt. Lúc này, người đi ngang qua ở khoảng cách từ một mét trở lên sẽ nghe được âm thanh phát ra từ thùng rác “Hãy giữ gìn vệ sinh vì một môi trường sạch đẹp”.

Còn khi có người đến bỏ rác, ở khoảng cách 20cm nắp thùng sẽ tự mở và phát câu lệnh hướng dẫn: “Màu xanh là rác hữu cơ, màu đỏ là rác vô cơ, hãy bỏ đúng theo hướng dẫn các bạn nhé”.
Trong thời gian này, nếu mọi người không bỏ rác, hoặc bỏ rác ra ngoài, nó sẽ phát lệnh: “Đề nghị bạn bỏ rác vào thùng”.

Khi rác được bỏ vào thùng, thiết bị sẽ nói: “Cảm ơn bạn”. Nếu ai đó đến gần mà không cho rác vào thùng, máy sẽ nói “Cho tôi xin rác”.

“Với chi phí dưới 500.000 đồng cùng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, chúng em hy vọng thùng rác thông minh có thể được sản xuất hàng loạt để cung cấp cho những nơi đông người nhằm nâng cao ý thức cộng đồng với môi trường” - Duy nói.

Dù đã có thể đưa sản phẩm vào sử dụng, song Duy và nhóm nghiên cứu vẫn mong muốn thiết kế để mô hình thùng rác có thể kết nối Internet và có khả năng tự động phân loại rác.

Đánh giá cao mô hình này, hội đồng khoa học giải thưởng cho rằng đây là sản phẩm thể hiện sự sáng tạo cũng như ý thức của các em học sinh về một môi trường sống trong lành.
Quan trọng hơn, nếu sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi, đó sẽ là một đóng góp thiết thực vào quá trình phân loại rác thải cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Với hiệu quả và khả năng ứng dụng cao, công trình đã được trao giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng và giải khuyến khích tại cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc Vifotec 2015.