Để có được sản phẩm nho ngon, mang chất lượng đặc thù và được người tiêu dùng ưa chuộng thì người dân Ninh Thuận phải đổ không ít mồ hôi nước mắt trong việc lựa chọn giống trồng cũng như chăm sóc cây.

Công đoạn trồng nho

Khi tiến hành trồng nho, cần chọn đất tốt, làm đất rất kỹ, cày bừa tạo tầng đất mặt sâu, tạo điều kiện tưới tiêu thuận lợi. Mật độ ưa dùng nhất là 2,5 m x 2 m một cây (2000 cây/ha). Hố đào sâu, bỏ nhiều phân hữu cơ đã mục.

Giàn nho thông thường gồm hai hay nhiều hàng cọc. Trên đầu cọc, cao độ 1,8 m - 2,0 m, giăng một giàn dây thép ngang dọc cho nho leo. Giàn to thì phải gia cố những hàng cọc phía rìa bằng những thanh gỗ, thanh sắt, sào tre v.v... đủ vững để không sụp đổ, dưới sức nặng của cành lá và trái nho.

Tiến hành cho nho leo giàn: Dùng một cái sào, hoặc cọc gỗ lớn bằng ngón tay cái, cắm gần gốc nho, cắm dựng đứng. Chọn trong các ngọn nho khỏe nhất buộc cho leo lên giàn. Bao nhiêu ngọn phụ, hoặc cành sinh ra sau này cắt hết, sát đến tận nách lá để có một thân duy nhất to khỏe. Khi ngọn chính đã lên tới giàn, ngắt búp sinh trưởng để cho các cành cấp 1 phát triển.


Cành cấp 1, tiếng Anh hay tiếng Pháp đều gọi là cordon, tiếng Việt Nam gọi là tay. Một gốc nho chỉ để lại một số tay nhất định, phổ biến là 2, 3 cũng có khi là 4 tùy theo giống nho, trình độ thâm canh, mật độ trồng. Lấy thí dụ, để lại hai tay trong trường hợp dùng cọc chữ T để minh họa cho phương pháp cắt tỉa nho: Ngọn của thân chính sau khi vươn tới giàn thì ngắt đi.

Trong các cành mọc từ thân ra chọn lấy hai cành khỏe nhất, buộc vào dây thép cho phát triển theo hai hướng ngược nhau. Hai cành cấp 1 này sẽ trở thành 2 tay, buộc chặt vào dây thép bằng một loại dây có thể tự hủy được (đay, bẹ chuối, vỏ cây leo, dây ni lông…

Không dùng dây thép vì sẽ thắt lấy tay, cản trở lưu thông của nhựa. Khi tay đã mọc dài 1 - 1,2 m lại bấm ngọn để lại trên mỗi tay một số cành cấp 2 gọi là cành quả. Cành quả cũng buộc vào dây thép, tránh gió lay, làm rách lá rụng mắt và không cho đè lên nhau.

Công đoạn chăm sóc cây nho

Người ta thường trồng vào cuối mùa mưa tháng 12 – 1 năm sau. Một năm sau tay và cành quả đã hóa gỗ, màu nâu, mắt đã nổi rõ, đại bộ phận lá đã già thì người ta cắt để cho ra trái. Cắt hết cành lá đã có, chỉ để lại các bộ phận sau đây: Cành quả để hình thành trái và cành gỗ mới. Mầm dự trữ ở chân cành quả để thay thế các cành này vụ sau.

Nếu gốc nho đã già, để lại một số cành gần thân để thay cho những tay đã quá già. Bao nhiêu lá cắt đi hết. Cành nào quá yếu, mọc chồng cũng cắt. Những vụ sau, phương pháp cắt ra quả, cũng giống như vậy.

Dưới tán giàn nho thường ít cỏ, mặt đất không phơi ra nắng, ít bị mất nước, đóng váng. Tiến hành xới đất mỗi vụ một lần để phá bỏ một phần bộ rễ cũ, tái tạo bộ rễ mới kết hợp bón phân, trộn đều vào đất.

Tưới chỉ cần thiết vào vụ nắng và về mùa mưa có khi cũng phải tưới. Đất thịt tưới nhiều nước hơn, nhưng số lần tưới ít thường cách 10 - 15 ngày tưới một lần, nhưng thời kỳ ra hoa quả, sau 7 - 10 ngày đã lại cần tưới. Đất cát tưới một lượng nước ít hơn nhưng số lần tưới phải nhiều hơn, thường 5 - 7 ngày phải tưới một lần; khi lá nhiều, ra hoa quả - mỗi lần tưới chỉ cách nhau 3 đến 5 ngày.

Tiến hành bón phân cho nho: Một ha trung bình có 2.000 cây vậy mỗi cây 1 vụ bón 12,65 kg phân chuồng 1.350 gram đạm SA, 850 gram super lân, 360 gam KCl, tính cả năm mỗi gốc nho bón tới 37,95 kg phân chuồng, 4.050 gram đạm SA, 2.550 gram super lân và 1.080 gram KCl.