Ngày 22/12/2018, tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Đại học Quốc gia TPHCM và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và kế hoạch năm 2019 Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ).

 PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc ĐHQG TP. HCM phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: PV
PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc ĐHQG TP. HCM phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: PV

Chương trình Tây Nam Bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TPHCM đồng chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2014-2020.

Tham dự hội nghị, có PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN; đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Dương Thành Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ Khoa học xã hội và nhân văn và tự nhiên, Kế hoạch – Tài chính (Bộ KH&CN); Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở ngành, trường đại học vùng các tỉnh vùng Tây Nam bộ;… và các thành viên các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt đánh giá, hầu hết các đề tài đã và đang triển khai đều bám sát các mục tiêu và nội dung trong thuyết minh và hợp đồng triển khai, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn bất cập trong triển khai Chương trình như: tiến độ triển khai các đề tài còn chậm so với kế hoạch; có mô hình triển khai trên thực địa kết quả còn hạn chế; công tác thanh quyết toán còn sai sót và tốc độ giải ngân kinh phí chậm.

Giám đốc ĐHQG TP. HCM và Phó Chủ tịch Viện HLKHXH VN trao hợp đồng và giao nhiệm vụ cho các chủ nhiệm đề tài. Ảnh: PV
Giám đốc ĐHQG TP. HCM và Phó Chủ tịch Viện HLKHXH VN trao hợp đồng và giao nhiệm vụ cho các chủ nhiệm đề tài. Ảnh: PV

Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đã đưa ra các giải pháp và xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng KH&CN đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả kinh tế, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển KT - XH vùng ĐBSCL. Mảng KHXH&NV cũng đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng. Điển hình như hai đề tài được báo cáo tại Hội nghị đó là “Vấn đề dân số và di dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức chủ trì, PGS.TS. Lê Thanh Sang làm chủ nhiệm (đã nghiệm thu cấp quốc gia), và đề tài “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu”, do Công ty BUSADCO chủ trì và TS Hoàng Đức Thảo làm chủ nhiệm.

Theo báo cáo của ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ, năm 2018 Chương trình tiếp tục triển khai 34 đề tài, nhiệm vụ chuyển tiếp, nghiệm thu cấp quốc gia 12 đề tài (9 đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV và PTBV, 3 đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, KHCN và Môi trường). Chương trình đã thực hiện ký hợp đồng và bắt đầu triển khai thực hiện 25 đề tài mở mới năm 2018.

Các đại biểu khảo sát thực tế mô hình thí điểm của đề tài triển khai đê kè chắn sóng, chống xói lở bờ biển tại huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Ảnh: PV
Các đại biểu khảo sát thực tế mô hình thí điểm của đề tài triển khai đê kè chắn sóng, chống xói lở bờ biển tại huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau. Ảnh: PV

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh vai trò hỗ trợ tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ, những chuyển biến tích cực trong phối hợp giữa hai Bộ chủ trì, giữa Văn phòng Chương trình và Văn phòng chuyên môn trong tổ chức, quản lý, triển khai các hoạt động. Đồng thời, đề nghị các chủ nhiệm đề tài, các tổ chức chủ trì đề tài đang thực hiện và mở mới năm 2018 tích cực triển khai có hiệu quả, đúng quy trình, có kế hoạch rõ ràng, cố gắng liên kết với các đề tài trong chương trình trong tổ chức các điều tra khảo sát, tổ chức hội thảo tại vùng Tây Nam Bộ, có giải pháp hiệu quả khắc phục các hạn chế trong triển khai đề tài mà Hội nghị đã chỉ ra. Đặc biệt, các đề tài cần tăng cường hơn nữa sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức, chuyên gia vùng Tây Nam Bộ để các kết quả nghiên cứu có đóng góp thực sự vào phát triển bền vững vùng, có những đóng góp thiết thực trong thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động tham gia có hiệu quả trong đóng góp vào văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh vùng Tây Nam Bộ.

Trước khi diễn ra hội nghị, các đồng chí lãnh đạo và đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Hàn lâm và Tỉnh Bạc Liêu đã đi khảo sát thực tế kè chắn sóng ven biển tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là kết quả sản xuất thử nghiệm của đề tài “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu”.