Tiến sỹ Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương, Bộ KH&CN - cho biết, qua 3 giai đoạn triển khai (1998-2002, 2004-2010, 2011-2015), chương trình Nông thôn - Miền núi được đánh giá là rất hiệu quả.

Các kết quả đó đã đóng góp trực tiếp vào việc phát triển sản xuất. Chính vì thế, sau khi kết thúc, chương trình được các bộ, ban, ngành thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép triển khai ở các giai đoạn sau. Ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình Nông thôn - Miền núi giai đoạn 2016-2025.

Trưng bày các sản phẩm của chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2011-2015. Ảnh: PN
Trưng bày các sản phẩm của chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2011-2015. Ảnh: PN

Nhìn lại quá trình triển khai từ năm 1998 đến nay, ông Liễu đánh giá, chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Các dự án đã chuyển giao kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa, rau... ở quy mô hộ gia đình, quy mô công nghiệp.

Cụ thể, chương trình đã thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố, huy động lực lượng cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN trung ương và của các địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ. Đã có 4.761 lượt công nghệ được chuyển giao vào sản xuất. Chương trình đã đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân...

“Nhiều dự án mang lại giá trị kinh tế cao, được người dân ủng hộ, áp dụng” - ông Liễu nói.