Được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt từ năm 2014, và gia hạn đến năm 2020, Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn 2014-2019: “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ) đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể, nhằm góp phần phát triển KT – XH vùng Tây Nam bộ.

Mô hình HTX bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Châu Thành, Bến tre. Ảnh: Chương trình KH&CN Tây Nam Bộ
Mô hình HTX bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Châu Thành, Bến tre. Ảnh: Chương trình KH&CN Tây Nam Bộ

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, hai cơ quan đồng chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tập hợp lực lượng nhà khoa học đầu ngành, các viện/trường và doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN, giải quyết các vấn đề của vùng Tây Nam Bộ.

Trong đó, về mảng Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phát triển bền vững, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN đã tập hợp các nhà khoa học của các đơn vị thành viên thuộc Viện và các viện, đơn vị khác, như: Học Viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mảng Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Viện Dược liệu; Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long;… cùng các Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco); Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, Công ty Cổ phần Thiết bị chuyên dùng Việt Nam chủ trì và phối hợp triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình.

Đến nay Chương trình Tây Nam Bộ đã và đang triển khai 34 nhiệm vụ KH&CN (Lĩnh vực Khoa học xã hội- Nhân văn, Phát triển bền vững là 13 nhiệm vụ; Lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và Môi trường là 21 nhiệm vụ). Đã nghiệm thu cấp quốc gia được 11 nhiệm vụ (Lĩnh vực Khoa học xã hội- Nhân văn, Phát triển bền vững là 8 nhiệm vụ; Lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và Môi trường là 3 nhiệm vụ). Đồng thời, hai Cơ quan đồng chủ trì Chương trình đã phê duyệt Thuyết minh và dự toán kinh phí 25 nhiệm vụ, được cấp kinh phí bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2018 (trong đó, Lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và Môi trường là 18 nhiệm vụ; Lĩnh vực Khoa học xã hội- Nhân văn, Phát triển bền vững là 7 nhiệm vụ). Ngoài ra đã xác định nhiệm vụ và tuyển chọn các tổ chức chủ trì một số nhiệm vụ đưa vào thực hiện trong kế hoạch năm 2019.

Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết vùng

Với nội dung Xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, hướng vào 3 nội dung nghiên cứu chính, đó là: (a) Về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển bền vững vùng, (b) Về phát triển bền vững vùng về xã hội , và (c) Về tổng kết đánh giá. Nhìn chung, các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững, cơ bản đã hoàn thành theo mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt, các kết quả nghiên cứu đã được giới thiệu trong các hội thảo để lấy ký kiến các cấp lãnh đạo của các cơ quan TW và địa phương vùng Tây Nam Bộ, phần lớn các đề tài đã được nghiệm thu cấp quốc gia và cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ cũng như cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Với nội dung Nghiên cứu các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, Chương trình đã tuyển chọn và triển khai các nhiệm vụ, như: Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; Nghiên cứu cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành) ở vùng Tây Nam Bộ; Xây dựng chuỗi giá trị xoài Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu chủ lực; Nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông Đồng bằng Sông Cửu Long; Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông; …

Với kết quả thực hiện cho đến nay, phần lớn bảo đảm theo tiến độ đề ra, nhiều đề tài đã có kết quả phục vụ sản xuất và đời sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (như: Chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm; Xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành) ở vùng Tây Nam Bộ; Nghiên cứu tạo, chọn các giống lúa chống chịu mặn thích nghi với biến đổi khí hậu; …).

Đưa KH&CN phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội

Với nhiệm vụ triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, Chương trình đã thực hiện nhiều đề tài gắn với thực tiễn như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Plasma lạnh để xử lý nước cấp sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản vùng Tây Nam Bộ; Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao tôm bằng vật liệu và công nghệ nano; Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn vùng Tây Nam Bộ; Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi nghêu bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long; Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu; Nghiên cứu tạo, chọn các giống lúa chống chịu mặn thích nghi với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long;…

Các nhiệm vụ KH&CN trên đã triển khai các giải pháp và xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng KH&CN đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả kinh tế, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là đề tài:”Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu” do Công ty BUSADCO chủ trì, đang triển khai mô hình thí điểm thi công kè cấu kiện lắp ghép, bằng vật liệu bê tông cốt phi kim chống ăn mòn để bảo vệ đê biển tại các đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m khu vực ven biển Cà Mau, được UBND tỉnh Cà Mau và các ngành chức năng của tỉnh đánh giá cao.

Đến nay, các nhiệm vụ KH&CN của Chương trình được triển khai đã gắn với sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức thiết phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam Bộ. Đối với mảng KHCH&NV, PTBV cũng đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng. Mảng KHTN, KHCN và Môi trường đã gắn với sản xuất và đời sống, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản), thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở (bờ sông, bờ biển), phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ. Trong năm 2019, Chương trình tập trung thực hiện các nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ năm 2018 và một số nhiệm vụ mở mới trong năm 2019, hoàn thành và nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN kết thúc trong năm 2019, chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ.