Thời gian tới, Cao Bằng sẽ xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, lao động của từng vùng.

Tỉnh cũng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng các mô hình thâm canh rau sạch và cây ăn quả đặc sản như mận, lê, hạt dẻ, quýt...

Thạc sỹ Hoàng Giang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cao Bằng - cho biết, căn cứ định hướng phát triển của tỉnh, ngành KH&CN Cao Bằng sẽ nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp để phát huy lợi thế, nâng giá trị các loại cây ăn quả của địa phương.

Theo ông Giang, Cao Bằng xác định rõ phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu đối với tỉnh. Do đó, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được đề xuất và phê duyệt triển khai hằng năm đã tập trung vào hướng nghiên cứu phát triển cây trồng, vật nuôi.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ứng dụng nhiều công nghệ mới để phục tráng, phát triển các giống cây trồng đặc sản như: Quýt Trà Lĩnh, lê Thạch An, lê Nguyên Bình, lúa nếp hương Bảo Lạc và lúa nếp Pì Pất...

Giống lê nâu Cao Bằng có vị ngọt đậm, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Anh Đào
Giống lê nâu Cao Bằng có vị ngọt đậm, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Anh Đào

Tuy nhiên, hiện diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh mới đạt 2.800ha trong hơn 11.000ha đất có khả năng chuyển đổi thành vùng trồng cây ăn quả; trong đó có trên 500ha cây dẻ, trên 300ha cây có múi, 332ha nhãn. Năng suất các loại cây ăn quả chỉ đạt khoảng 50 tạ/ha. Mặt khác, diện tích trồng cây ăn quả của Cao Bằng đều nhỏ lẻ, manh mún, chăm sóc theo phương thức quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp. Một số giống cây ăn quả đặc thù của tỉnh như cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, lê Bảo Lạc... đang thoái hoá rất mạnh, bị nhiễm bệnh greening, có nguy cơ tàn lụi dần nếu không có biện pháp bảo vệ nguồn gene gốc kịp thời.

Giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh hướng đến xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, lao động của từng vùng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, xây dựng các mô hình cây ăn quả đặc sản, như mận, lê, hạt dẻ, quýt...

Để đạt mục tiêu đó, ông Hoàng Giang kiến nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí tăng cường tiềm lực các tổ chức KH&CN công lập địa phương, giúp các đơn vị này chủ động, thuận lợi khi thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu; hướng dẫn, xây dựng chương trình hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học trong nước và ở Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc để làm đầu mối tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học của nước này trong phát triển nông - lâm nghiệp.

“Đề nghị Bộ KH&CN ưu tiên tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia, các dự án thuộc chương trình Nông thôn, miền núi” - ông Giang kiến nghị và cho biết, trong giai đoạn 2014-2016, Cao Bằng đã được Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai 7 dự án thuộc chương trình Nông thôn, miền núi.

Hiện đã có 6 dự án được tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh, dự án còn lại đang được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu.