Giá trị của sản phẩm quả lê Cao Bằng được nâng cao nhờ kết quả nghiên cứu khoa học, giúp cây lê trở thành một trong những cây chủ lực của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Quả lê Cao Bằng giờ đã trở thành đặc sản được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: TS
Quả lê Cao Bằng giờ đã trở thành đặc sản được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: TS

Tại Cao Bằng, cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng.... Theo thống kê, tổng diện tích lê lại Cao Bằng hiện nay là 131,81ha, trong đó có 82,24ha cho thu hoạch với năng suất 3,18 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 260 tấn. Lê ở khu vực Đông Khê - Thạch An, Nguyên Bình và Bảo Lạc được người tiêu dùng đánh giá là có chất lượng cao hơn ở các vùng trồng khác.

Để bảo tồn, gìn giữ và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm lê Cao Bằng, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, dự án, như dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê huyện Trà Lĩnh”. Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một giống cây có chất lượng, năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng nghiên cứu thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn gene lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình” với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm. Qua gần 2 năm triển khai, đến nay đề tài đã điều tra, đánh giá về thực trạng sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp thâm canh nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất lê; nghiên cứu kỹ thuật ghép cải tạo cho lê Đông Khê, Nguyên Bình và Bảo Lạc; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sơ chế và bảo quản lê.

Đến nay, sản phẩm lê Cao Bằng đã trở thành một trong những đặc sản địa phương, có thế mạnh và tiềm năng cạnh tranh trong nền nông nghiệp của tỉnh.

Ngoài ra, việc sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất lê cũng được các địa phương chú trọng phát triển. Hiện chính quyền địa phương, các ngành, các cấp hướng đến xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, trong đó chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra các giống cây trồng có năng suất và chất lượng tốt, tìm hướng ra ổn định cho sản phẩm… Điều này sẽ giúp khuyến khích nhân dân trong vùng tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định phát triển KT-XH.