Cây bách Vàng (tên khoa học là Xanthocyparis Vietnamensis), có nguồn gốc gần với loài Nootka Cypress ở Bắc Mỹ. Ở Việt Nam tồn tại duy nhất trên những dãy núi cao của Hà Giang, tập trung nhiều nhất tại huyện Quản Bạ.

Là một loại cây quý hiếm, 100 năm cây mới trưởng thành và cho khai thác; theo đánh giá của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) Việt Nam, hiện đây là một loại cây nằm trong danh sách nguy cấp cần được bảo tồn; cây mọc ở những điểm khó tiếp cận trên đỉnh dông và đỉnh núi đá vôi.


Vườn ươm cây bách Vàng tại Trạm bảo tồn của Ban Quản lý rừng BĐS.

Cây bách Vàng được tìm thấy đầu tiên tại huyện Quản Bạ vào năm 1999, với quần thể ban đầu ước tính hơn 250 cá thể và là cây thuộc nhóm 1A. Loại cây này mọc trên đỉnh núi đá vôi ở độ cao từ 1.050 đến 1.330 m, những nơi có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn. Cây có vai trò giữ đất, giữ nước, chống xói mòn cho vùng núi. Cây có màu vàng sẫm, thơm và bền, trước đây người dân thường sử dụng để dựng nhà, làm nông cụ, làm lễ vật tiến vua... nhưng do đây là một loại cây có mức độ tái sinh chiếm tỉ lệ thấp từ 10 – 15%, quá trình phát triển chậm nên lượng cây Bách Vàng ngày một ít và có nguy cơ biến mất.

Theo đồng chí Lệnh Xuân Chung, Giám đốc Ban Quản lý rừng Bát Đại Sơn (BĐS) cho biết: “Nhận thấy cây Bách Vàng là một loại cây quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhằm thu hút sự quan tâm và kinh phí bảo tồn, Ban Quản lý rừng BĐS đã nhiều lần gửi đề xuất tới Chi cục Kiểm lâm, Sở Khoa học Công Nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đều không được hồi âm... Do đó, toàn bộ kinh phí khôi phục, Ban quản lý lấy nguồn từ việc bảo vệ 5 loài thông của Trung tâm Hiệp hội Khoa học nhằm chi trả cho việc ươm và chăm sóc cây...”.

Với đặc điểm riêng của loài là khó có thể tái sinh từ hạt, nên đã gây khó khăn cho việc nhân giống, nhưng cho đến năm 2005, bằng kĩ thuật giâm hom tại khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn đã giúp nhân rộng và tăng khả năng sống của cây Bách Vàng.

Mô hình trồng cây bách Vàng của hộ anh Thào Mí Quả.
Mô hình trồng cây bách Vàng của hộ anh Thào Mí Quả.

Theo bác Nguyễn Trường Sơn, cán bộ khu bảo tồn cho biết: “Công việc giâm hom cũng khá phức tạp bởi đặc điểm riêng của loài, trung bình công việc này phải mất một năm, trong đó 6 tháng đầu là giâm trong nhà phủ kín nilon và giâm trong cát, sau đó khi cành bén dễ mới bắt đầu chuyển ra đất, trong quá trình ươm cần phải tưới bằng nước sạch, nếu không cây dễ bị nấm... Từ năm 2012, trung tâm nhân giống được khoảng 500 cây con, cho đến nay phát triển được 280 cây có chiều cao 1,5 m...”. Bác Sơn ví von việc chăm cây này như chăm đứa trẻ mới sinh ra, cần phải cẩn thận, khéo léo, không cây rất dễ bị bệnh và chết. Tuy nhiên cũng theo bác Sơn tâm sự: “Khó khăn là vậy nhưng để bảo tồn cây thì lại chưa có vốn, vườn ươm và bể nước sạch, trong đó tiền duy trì hiện nay một phần được lấy từ Ban Quản lý rừng BĐS và một phần của Trung tâm Hiệp hội Khoa học...”.

Để cây bách Vàng tái sinh trở lại như hiện nay, ngoài những nỗ lực của Ban Quản lý rừng BĐS, trong năm 2010 còn có sự hỗ trợ của Quỹ đối tác các hệ sinh thái trọng yếu và Chiến dịch bảo tồn cây toàn cầu (FFI) đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn thực vật kí hợp đồng giám sát và bảo vệ 669 cây con bách Vàng trong tự nhiên với các hộ tại địa phương. Tuy nhiên do cây sinh trưởng chậm và không cho lợi ích về kinh tế nên số lượng các hộ dân tham gia còn ít. Theo anh Thào Mí Quả, hộ gia đình duy nhất nhận trồng cây tại xã Bát Đại Sơn cho biết: “Do thấy cây Bách Vàng ngày một ít tại địa phương anh đã nhận trồng hơn 200 cây, ban đầu được hỗ trợ về giống và với mỗi một cây được hỗ trợ 4 nghìn đồng/1 cây, sau 5 – 10 năm công ty sẽ bàn giao lại cho gia đình sử dụng. Chăm cây không khó, mỗi năm vào tháng 9 sau khi thu hoạch ngô sẽ bón phân và vun gốc...”.

Là một loại cây đặc trưng và cực kì quý hiếm tại Việt Nam nhưng do nhiều nguyên nhân như: Khai thác bừa bãi, đốt nương, nhiều người chưa có hiểu biết về giá trị của cây... nên số lượng cây ngày một giảm dần. Vì vậy rất cần các ngành chức năng, Nhà nước quan tâm hơn nữa để giúp khôi phục lại cây bách Vàng.