Nắm bắt rõ các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản trái sau khi thu hoạch sẽ giúp nhà nông trồng trọt thuận lợi và đạt năng suất cao hơn.

1. Các công đoạn sản xuất quýt Bắc Kạn

Công đoạn nhân giống, thiết kế vườn trồng

Quýt Bắc Kạn được nhân giống bằng 1 trong 2 cách: Nhân giống bằng phương pháp chiết cành vào vụ hè (chiết vào tháng 3 - 4, hạ bầu vào tháng 5 - 6) hoặc vụ thu (chiết vào tháng 8 - 9, hạ bầu vào tháng 10 - 11). Nhân giống bằng phương pháp ghép vào các tháng: 2, 3, 5, 7, 8, 9. Ghép khi thời tiết khô ráo.

Vườn quýt phải đảm bảo các yêu cầu như: Thoát nước tốt trong mùa mưa, hạn chế và ngăn chặn các sâu bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài, đảm bảo vườn thông thoáng và hạn chế sâu bệnh gây hại, chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.

Nếu đất dốc từ 5 đến 7 độ, bố trí trồng quýt theo đường đồng mức và giữa các hàng quýt cần gieo cây đậu, lạc... Cứ 2-3 hàng quýt lại gieo một hàng cây cốt khí dày để ngăn dòng chảy. Ở đỉnh dốc, trồng cây lâm nghiệp để giữ nước mưa. Trồng dày, khi cây lớn sẽ tiến hành tỉa thưa dần.

Nếu đất dốc từ 7 - 8 độ trở lên, tiến hành làm ruộng bậc thang, sườn đồi càng dốc thì ruộng bậc thang càng hẹp bề ngang. Ở mép ruộng bậc thang cần gieo trồng các loại cây bụi (cây cốt khí) khí để làm hàng rào cản dòng chảy. Lá cốt khí còn là loại phân xanh để cải tạo, tăng độ phì cho đất rất tốt. Trên mặt ruộng bậc thang, khi mới trồng quýt (trong 3 - 4 năm đầu), cần gieo cây ngắn ngày như đậu, lạc, vừng... để che phủ mặt đất, kết hợp chăm sóc, bồi dưỡng đất.

Trước khi trồng 1 tháng, tiến hành làm đất, làm sạch cỏ trên bề mặt đất trồng. Tiến hành đào hố và bón lót với khoảng cách giữa các hố trồng là 3,5m x 4m. Đồng thời tiến hành bón lót phân bón vào các hố đào, bao gồm phân chuồng, phân lân, kali và vôi bột.

Ảnh: Baobackan.
Ảnh: Baobackan.

Công đoạn trồng và chăm sóc sau khi trồng

Trồng quýt vào hai vụ, vụ xuân được trồng vào các tháng 2, 3, 4 còn vụ thu được trồng vào các tháng 8, 9, 10.

Tiền hành bóc hết túi bầu của cây giống, đặt cây thẳng đứng và cao hơn mặt đất ở giữa hố đã đào, lấp đất nhỏ, tơi xốp quanh gốc cây, nén nhẹ cho đất và bầu tiếp xúc với nhau.

Tưới nước quanh hố, cách gốc 10 - 20cm đến khi nước tràn trên mặt đất. Không tưới vào gốc để tránh tình trạng làm hở gốc. Nếu bị hở gốc phải bổ sung đất cho kín bầu. Dùng cỏ khô, rơm rạ tủ vào gốc để giữ ẩm. Khi tủ gốc, phải để hở phần gốc cây để theo dõi sâu bệnh và nấm mốc.

Việc chăm sóc cây quýt Bắc Kạn bao gồm: Làm cỏ, tưới nước, bón phân, đốn tỉa, đốn tạo hình, đốn duy trì, ngắt hoa, phun các chất điều tiết sinh trưởng, phòng trừ sâu bệnh.
Khu bón phân, đối với phân hữu cơ thì đào rãnh quanh tán cây, sâu 20 - 30cm, rộng 30 - 40cm, cho phân hữu cơ, lân, vôi xuống lấp đất lại, tủ rơm rạ. Đối với phân vô cơ thì xới nhẹ đất theo tán cây, rắc phân, tưới nước cho cây để phân ngấm vào đất.

Tiến hành tỉa những cành cây sâu bệnh, tạo cho cây thông thoáng, đủ ánh sáng, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành bị sâu bệnh, cành gãy, cành tược của gốc ghép, tạo điều kiện để lá cây tiếp xúc với ánh sáng.

Thường xuyên theo dõi để phòng trừ bệnh nhện đỏ, sâu đục cành, trừ sâu non, rầy chổng cánh, bệnh loét, sâu nhớt, nhện trắng, bọ xít xanh vai nhọn, ngài chích hút, sâu xanh cuốn lá, châu chấu, sâu hại hoa, các loại rệp, rầy xám, ruồi vàng…; bệnh sẹo cam, quýt, bệnh thối nâu, bệnh thâm quả, bệnh muội đen, bệnh virút.

Người dân vận chuyển quýt đinh tiêu thụ. Ảnh: Baobackan.
Người dân vận chuyển quýt đinh tiêu thụ. Ảnh: Baobackan.

2. Công đoạn thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch vào các tháng 11, 12 vào ngày quang đãng, khô nắng, tốt nhất thu hoạch quả sau khi sương bốc hơi (khô sương). Vào ngày trời râm, nhiều mây, tiến hành thu quả sau buổi trưa, không được thu hoạch quả vào ngày trời mưa.

Sử dụng kéo thu hoạch có cán tròn để cắt quả, thu hoạch các quả nhỏ hơn trước. Khi thu hoạch một tay giữ quả, tay kia cắt quả với cuống có vài lá. Đưa cành quả gần phía ngực, một tay giữ cành quả, tay kia cắt nhẹ cả chùm với cành mang lá.

Qu‎ýt Bắc Kạn được phân loại theo kích thước. Không được để lẫn các quả có kích thước khác nhau: Quả có đường kính từ 7 - 8cm và quả có đường kính từ 5 - 7cm.

Tiến hành bảo quản quýt: Chỉ bảo quản những quả không bị hư hại trong lúc thu hoạch. Có nhiều cách bảo quản khác nhau như: Sử dụng thuốc 10 - 40 ppm 2,4D để ngăn ngừa cuống quả khô và rụng. Sử dụng hoá chất Thiabendazole (40% được hoà loãng 500X) phun lên quả 1 - 2 tuần trước thu hoạch hoặc sau thu hoạch, nhúng quả trực tiếp vào dung dịch này trong 3 phút để thay cho phun. Hoặc sử dụng Iminoctodine 25% (hoà loãng 2000X) phun 4 ngày trước lúc thu hoạch, nhúng quả trước khi đóng gói. Giữ quả trong nơi râm mát vài ngày trước khi cho quả vào túi PE dày 0,02 - 0,03mm.

Khi cần bảo quản quả trên 2 tháng, tiến hành gói quả trong giấy phim PE làm thành bao hình trụ trong các ngăn của thùng gỗ hoặc thùng plastic. Chỉ bảo quản với 1 hoặc 2 lớp trong một hộp. Tiến hành sắp xếp các hộp trong phòng bảo quản sao cho duy trì được thông thoáng tốt. Cửa thông gió được để mở trong vài tuần đầu bảo quản. Trong thời gian bảo quản, cửa sổ được mở vào ban đêm hoặc trong những ngày trời lạnh để làm mát quả. Tiến hành đóng cửa sổ thông gió khi nhiệt độ ban ngày cao. Không để ánh nắng rọi vào phòng bảo quản, nếu phát hiện thấy bất kỳ quả thối thì phải loại bỏ ngay.