Trong các yếu tố kìm hãm xuất khẩu nông sản ở Việt Nam, sự yếu kém trong khâu bảo quản, sơ chế sau thu hoạch là một thách thức không nhỏ.

Để khắc phục vấn đề này, một trong các giải pháp xử lý nông sản sau thu hoạch để hướng tới xuất khẩu là tập trung sản phẩm về nhà sơ chế (packing house) để phân loại, làm sạch trước khi đưa vào bảo quản và bán ra thị trường. Trên thế giới, đây là quy trình bắt buộc. Việt Nam cần áp dụng quy trình này trong thời gian tới nếu muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi.

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu, nếu chưa có được những khu chế xuất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, các hợp tác xã có thể thành lập cụm sơ chế đơn giản để phân loại nông sản, loại bỏ quả hỏng, giập... trước khi bảo quản, đóng gói. Khi đã có được thị trường xuất khẩu rộng và ổn định hơn, chắc chắn các mô hình nhà sơ chế nông sản hay nhà bảo quản silo (dành cho các loại hạt) sẽ cần được đầu tư hiện đại hơn, đáp ứng đòi hỏi của thị trường quốc tế.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là lâu nay, các nhà khoa học thường nghiên cứu tách rời từng công đoạn. Ví dụ, người làm bảo quản chỉ nghiên cứu về công nghệ bảo quản; người làm về giống chỉ tập trung nghiên cứu các loại giống; các nhà kinh tế - xã hội chỉ quan tâm đến mô hình thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, tư duy quản lý theo chuỗi giá trị đang được hình thành. Ví dụ, khi cần quảng bá và xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, phải quản lý từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến khi ra thị trường.

Trong một vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã quan tâm hơn đến yếu tố hỗ trợ mang tính liên ngành để xây dựng các chương trình nghiên cứu, chuyển giao theo một chuỗi hoàn chỉnh. Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới.

Người làm trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch có thể không có khả năng làm thị trường, nhưng phải biết gắn chặt với người làm công tác này, bởi nông sản được bảo quản tốt mà không có đầu ra thì vẫn là thất bại. Đích đến của các khâu - trong đó có bảo quản - vẫn là đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Trong chuỗi liên hoàn, khi tất cả phối hợp tốt với nhau, mỗi người phụ trách một khâu, họ sẽ biết sản phẩm còn yếu ở chỗ nào và tìm cách khắc phục, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.