Việc áp dụng đúng các công đoạn chăm sóc và sản xuất mật sẽ giúp tăng thêm chất lượng mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Do tính chất đặc thù của nghề nuôi ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn có tính chất thời vụ, do đó Quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật được xây dựng dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa các kiến thức bản địa nuôi ong tại Cao nguyên đá Đồng Văn và các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến đang áp dụng tại Việt Nam cũng góp phần đảm bảo duy trì tính ổn định về chất lượng của sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Công đoạn quản lý đàn ong

Để đảm bảo chất lượng đặc thù của mật ong bạc hà, chỉ sử dụng duy nhất giống Ong nội, (tên latin là Apris ceranna), hay còn gọi là ong Châu Á. Độ tuổi của ong chúa dưới 8 tháng, có trọng lượng từ 180 mg trở lên. Bánh tổ không quá 1 năm, vuông vắn, không bị đen, không bị nhiễm bệnh. Đàn ong ít chia đàn tự nhiên và ít bốc bay, trong đàn ong luôn có trứng, ấu trùng, nhộng và đặc biệt ong thợ ở các độ tuổi kế tiếp nhau.

Tiến hành kiểm tra đàn ong nhằm lựa chọn đàn ong khỏe mạnh, quan sát sự di chuyển của đàn ong, dấu hiệu bốc bay hoặc mất ong chúa, dấu hiệu đánh nhau... để xác định những biểu hiện của đàn ong.

Cần đặt tổ ong có thể là vườn cây, sân phơi, nương rẫy hoặc ven rừng. Nhưng nếu nguồn mật xa quá, số lần đi lấy mật của ong ít và sản lượng mật sản xuất sẽ bị giảm. Vì vậy, cần đặt tổ ong ở gần trung tâm của nguồn hoa bạc hà và không vượt quá bán kính 500m.

Chọn nơi cao ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, có vườn cây thoáng mát thuận lợi cho các hoạt động của đàn ong và phòng tránh được các dịch bệnh. Tránh gần các chuồng trại chăn nuôi, những nơi thường xuyên sử dụng hóa chất độc hại, nơi có nhiều chấn động, sân gạch, nền xi măng sẽ làm cho ong dễ bốc bay, nơi có nhiều kẻ thù của đàn ong (ong rừng, chim, thú hại ong...)

Người dân ở xã Lủng Pù dựng lều bạt du mục ngay cạnh con đường liên xã để nuôi ong bạc hà. Ảnh: Q.T.
Người dân ở xã Lủng Pù dựng lều bạt du mục ngay cạnh con đường liên xã để nuôi ong bạc hà. Ảnh: Q.T.

Khi đặt tổ ong, cửa thùng phải quay ra nơi quang đãng, mùa hè tránh hướng Tây, mùa Đông tránh hướng Bắc và Đông Bắc hoặc tránh hướng gió trực tiếp vào cửa tổ. Khoảng cách giữa các thùng ít nhất là 1 m. Cửa thùng quay ra nhiều hướng khác nhau để tránh hiện tượng ong cướp mật và thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc đàn.

Công đoạn chăm sóc đàn ong

Trong trường hợp nguồn hoa bạc hà bị thiếu, để kích thích việc xây bánh tổ, nên cho ong ăn bổ sung từ 100 - 200 ml nước đường/đàn/tối với tỷ lệ 1 đường/1 nước. Nếu ong xây bánh tổ ngay, thì không cần bổ sung thức ăn nữa. Nếu bánh tổ xây chậm, cần cho ăn thêm. Khi đàn ong xây bánh tổ nhanh, tiến hành cho xây tiếp những cầu khác. Tầng đã được xây xong thì chuyển cho đàn ong khác.

Thương xuyên kiểm tra để chống hiện tượng bốc bay của đàn ong, đây là hiện tượng khi ong chúa và toàn bộ đàn ong bỏ tổ đi tìm nơi ở mới. Ong bốc bay sẽ gây ra mất đàn vì vậy cần có các biện pháp kỹ thuật để hạn chế hiện tượng này.

Chuẩn bị các điều kiện để đàn ong chia đàn, chú ý để quan sát và đánh giá những dấu hiệu chia đàn của ong, có thể là do yếu tố tự nhiên như: Khi nguồn thức ăn (mật, phấn) nhiều.Thời tiết thuận lợi (không nắng, ấm áp, không mưa). Hoặc các điều kiện khác như: Mật độ ong đông, ong chúa đẻ mạnh, cầu con nhiều, thức ăn dự trữ dư thừa; Mật độ cao trong đàn cao và không còn chỗ để xây cầu.

Ngoài ra, còn thương xuyên phải xử lý hiện tượng ong cướp mật; phòng chống và xử lý ong thợ đẻ trứng; nhập đàn ong, cầu ong; tạo chúa; quản lý đàn ong theo thời vụ; phòng chống nóng, chống rét, chống bệnh dịch cho ong.