Kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi phải được tiến hành cẩn thận theo đúng quy trình nhằm tạo nên một sản phẩm có chất lượng cao được nhiều người yêu thích.

Gạo Nàng Nhen Thơm là một sản phẩm gắn liền từ hàng trăm nay nay với người dân Khmer vùng Bảy Núi, là lương thực chính của người dân, được người dân gìn giữ như báu vật.

Theo thời gian, hương thơm nhẹ và vị ngọt dịu của gạo Nàng Nhen Thơm Bảy núi đã từng bước được người dân biết đến, bắt đầu từ những du khách đến tham gia các lễ hội, sau đó trở thành sản phẩm được thương mại chính thức trên thị trường, gắn liền với từ Bảy Núi. Ngày nay, gạo nàng Nhen thơm Bảy núi đã trở thành một đặc sản của vùng đất này.

Chuẩn bị hạt giống và gieo mạ

Giống lúa nàng Nhen thơm được chọn lọc từ vụ mùa trước, loại bỏ lúa lép, lửng, hạt cỏ lẫn, tạp chất. Sau đó tiến hành ngâm ủ, hạt giống được ngâm ủ từ 1,5 - 2 ngày cho hạt giống nảy mầm.

Tiến hành gieo mạ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi mưa đã vào mùa, lượng mưa tương đối ổn định. Diện tích ruộng mạ bằng 1/15 đến 1/20 diện tích cấy, chọn ruộng để gieo mạ bằng phẳng, có rãnh thoát nước. Sau đó tiền hành cày bừa kỹ đất, duy trì lượng nước xâm xấp mặt ruộng.

Mạ lúa nàng Nhen. Ảnh: Daihocangiang
Mạ lúa nàng Nhen. Ảnh: Daihocangiang

Trong quá trình mạ phát triển, tiến hành khử các cây khác dạng (nếu có) bằng cách quan sát màu sắc gốc mạ sẽ thấy có sự khác biệt với cả ruộng mạ. Tùy theo khả năng kinh tế, trước khi nhổ mạ từ 3- 5 ngày, tiến hành tiễn chân mạ bằng cách bón 3-4kg URE/1.000m2 để dễ nhổ mạ và cây lúa mau ra rễ.

Công đoạn làm đất chuẩn bị cấy

Ruộng được cày bừa (“trục trạc”) từ 3-5 lần, sau đó bón ít nhất 3 tấn phân bò đã ủ hoai/ha trước khi cấy từ 15-20 ngày.

Cấy lúa nàng Nhen thơm. Ảnh: Tintucmientay.
Cấy lúa nàng Nhen thơm. Ảnh: Tintucmientay.

Do cày bừa từ 3 đến 5 lần nên phân bò lẫn đất, quện lại như “lớp hồ” dày trên mặt ruộng, giúp rễ lúa hấp thụ dưỡng chất tốt hơn trong tầng canh tác 15-20cm, mưa lớn không trôi mất phân.
Công đoạn cấy và chăm sóc lúa

Sau khi làm đất 15-20 ngày, tiến hành cấy lúa, cấy 1 - 2 tép/bụi, bước cấy 25 cm x 25 cm, cấy thẳng hàng, độ sâu cấy từ 1,5 - 2,0 cm.

Đối với cây lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi, việc bón phân vô cơ tuy không làm thay đổi các tính trạng lúa nhưng năng suất lại tăng. Vì vậy, ngoài cách dùng phân hữu cơ- phân bò (bón lót trước khi cấy từ 3 tấn phân đã ủ hoai/ha), để nâng cao năng suất lúa, tùy theo khả năng kinh tế, nông dân Khmer có thể dùng cách bón phân hữu cơ kết hợp phân tổng hợp vô cơ như sau:

Bón lót: 400 kg phân chuồng + 200 kg phân vi sinh/ ha
Bón thúc: Sử dụng phân NPK theo công thức

Lần 1: 15 ngày sau khi cấy: 50 kg NPK (20 – 20 – 15)/ ha
Lần 2: 35 ngày sau khi cấy: 50 kg NPK (20 – 20 – 15) ha

Cũng tùy theo khả năng tự có, khi lúa đẻ nhánh, đón đòng, nông dân bón thêm từ 1-2 tấn phân bò trộn rơm đã ủ hoai/ha.

Để chăm sóc lúa nàng Nhen thơm Bảy Núi, ngoài việc bón phân, nông dân Khmer còn tiến hành thăm ruộng để canh mực nước (lúc lúa trổ đều thì tiến hành rút nước cho đến khi thu hoạch), nhổ cỏ, lúa cỏ (loài cây có hạt tròn như hạt kê) phát sinh sau cấy.

Công đoạn thu hoạch và bảo quản

Thời gian thu hoạch lúa vào đầu mùa khô. Lúa sau khi được cắt sẽ được bó lại và phơi trên ruộng từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết mà có thời gian phơi phù hợp.

Thu hoạch lúa. Ảnh: Tintucmientay
Thu hoạch lúa. Ảnh: Tintucmientay.

Tiến hành tuốt lúa, sau đó tiếp tục phơi thóc thêm từ 1-2 ngày cho đến khi lúa khô (thủy phần đạt 14-14,5%). Cho lúa vào bao để nơi thoáng mát khô ráo và có thể bảo quản trên 06 tháng.

Để gạo giữ được hương vị, lúa chỉ đem xay chà khi có nhu cầu sử dụng gạo (giã thủ công hoặc đưa ra cơ sở xay xát gạo).

Công đoạn phơi đất và trồng xen canh sau thu hoạch

Sau khi thu hoạch (khoảng tháng 1 dương lịch), đất ruộng trên được cày ải rồi phơi đất chờ vụ sau hoặc nông dân trồng xen vụ bằng các cây họ đậu, hoa màu, có tác dụng diệt mầm bệnh, cải tạo đất.