Để làm ra cây cói đẹp, người dân phải cực khổ một nắng hai sương từ khâu chọn giống cho đến thu hoạch. Đồng thời, họ còn phải tiến hành những kỹ thuật khắt khe trong khu vực địa lý nhằm có được sản phẩm cói đảm bảo chất lượng.

Công đoạn chọn giống

Người dân chọn lựa các cây cói ngay từ khi mới bắt đầu trồng. Mống cói được chọn là những mống từ những giống cói già thân ngầm to, khỏe, bánh tẻ, dày mắt, trên các ruộng đã trồng ít nhất ba năm trở lên và không lẫn tạp với cỏ dại. Muốn có mống cói già, sau khi cắt cói vụ mùa, tiếp tục chăm sóc đến tháng chạp, cói phát triển mạnh, lúc này người dân mới nhổ mống mang trồng.

Kỹ thuật đánh mống: tiến hành cắt hoặc xúc nạo mống cói sâu khoảng 3 đến 4 cm sau đó tách từng khóm móng nhỏ khoảng 3-4 dảnh, nhặt sạch cỏ dại và xén bỏ đầu sao cho độ dài của thân mống khoảng 30 - 40 cm rồi bó thành từng bó nặng khoảng 4 kg rồi vận chuyển ra ruộng để cấy.

Công đoạn trồng và chăm sóc cói

Căn cứ vào địa hình cụ thể ở từng mảnh ruộng để có thể áp dụng phương thức làm đất (cày, hoặc lộn trở). Đối với đất cao diện tích đất nhỏ thì tạo độ bằng phẳng mặt ruộng, sau đó dùng mống đào sâu khoảng 25 - 30 cm và lật lộn đất trở lại; Đối với chân đất bằng phẳng, diện tích rộng, có điều kiện thuận lợi áp dụng cày lật đất độ sâu 15 - 17 cm và dằm/lồng đất tơi nhuyễn, sau đó tiến hành bón phân xanh, phân hữu cơ hoặc phân chuồng.

Em bé giúp gia đình thu hoạch cói.
Em bé giúp gia đình thu hoạch cói.

Cấy cói: cấy ngửa tay và cấy thành từng khóm (3 - 4 dảnh/khóm), sâu 4-5 cm, khoảng cách 20 X 20 cm và cấy sao cho các dảnh nằm hơi nghiêng.

Phải thường xuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trong quá trình sinh trưởng phát triển của cói. Ngoài ra, cần bón phân theo các thời điểm đảm bảo cho cây cói khỏe mạnh và đạt chất lượng tốt. Thông thường, phân bón hữu cơ được người dân trồng cói sử dụng, vì đảm bảo nguồn dinh dưỡng, cải tạo đất, và duy trì chất lượng cây cói trên những chân ruộng sau nhiều năm canh tác cói.

Làm cỏ thường xuyên ruộng cói, thường sau khi cấy 20 - 30 ngày thì tiến hành nhổ cỏ, và sau đó hàng tháng đều tiến hành làm cỏ cho đồng cói, tránh được việc cạnh tranh dinh dưỡng từ các loài cỏ dại.

Công đoạn thu hoạch

Sau khi thu hoạch cói, tiến hành chẻ cói và đem phơi ngay lên những cồn cát. Đây là một kinh nghiệm về kỹ thuật được cho là sẽ làm cho chất lượng sợi cói trắng, dai, bền và đẹp hơn. Ngoài ra, các kinh nghiệm trong việc chống ẩm, chống mốc, cho cói cũng đảm bảo sản phẩm sau này làm ra đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thị trường.