Áp dụng đúng những tiêu chuẩn về giống, làm đất, kỹ thuật trồng và canh tác sẽ giúp dễ chăm sóc và cho năng suất cao hơn.

Công đoạn chọn giống và làm đất

Giống trồng: phải là các giống cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam Sông Con. Cây giống sản xuất bằng phương pháp ghép phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có ít nhất 2 cành cấp 1 và không nhiều quá 3 cành. Đường kính cành ghép cách điểm ghép đạt từ 0,5 - 0,7cm; dài từ 50cm trở lên, có bộ lá xanh tốt, không sâu, bệnh. Cây giống được từ hạt phải là cây khỏe mạnh, được chọn lọc từ cây mẹ không bị sâu bệnh, sinh trưởng tốt.

Chọn đất có tầng dầy từ 1 m trở lên, kết cấu xốp để giữ mầu, và thoát nước tốt, giàu mùn và các chất dinh dưỡng. Độ dốc của đất từ 3 - 20 độ (tốt nhất là 3 - 8 độ).

Phát quang và san ủi mặt bằng đất trồng: Tiến hành phát quang và san ủi tạo mặt phẳng tương đối để cho việc thiết kế vườn được dễ dàng. Trừ những nơi đất quá dốc (từ khoảng 10otrở lên) sẽ áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, nghĩa là chỉ phát quang, dãy cỏ, san lấp những chỗ quá gồ ghề sau đó thiết kế và đào hố trồng cây, còn ở những nơi đất không quá dốc hoặc bằng, sau khi phát quang, san ủi sơ bộ có thể dùng cày máy hoặc cày trâu cày bừa một lượt để vừa sạch cỏ vừa tạo cho bề mặt vườn tơi xốp ngăn được sự bốc hơi nước của vườn sau khi bị phát quang.

Thiết kế vườn trồng: Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp. Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 - 5 độ nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu). Đất có độ dốc từ 5 - 10 độ phải trồng cây theo đường đồng mức, khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức. Ở độ dốc 8 - 10 độ nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, trên 10 độ phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố.

Cam sông Con.
Cam sông Con.

Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1 ha không cần phải thiết kế đường giao thông, song với diện tích lớn hơn thậm chí tới 5 - 10 ha cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 đến 1ha/lô và có đường giao thông rộng để có thể vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi.

Bố trí mật độ, khoảng cách: Mật độ trồng phụ thuộc vào và khả năng đầu tư thâm canh. Thông thường đối với cam Vinh trồng với khoảng cách 3 m  4 m (tương ứng với 830 cây/ ha). Đối với những vùng đất tốt hoặc có điều kiện đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp đốn tỉa hàng năm có thể bố trí mật độ dày hơn từ 900 - 1.000 cây/ha.

Công đoạn trồng và chăm sóc

Mùa vụ trồng: Cam được trồng vào mùa xuân (Từ tháng 2 - 4) hoặc mùa thu. Nhưng tốt nhất là trồng vào mùa xuân hoặc đầu mùa mưa. Mật độ: Mật độ trồng 4 x 5 m.

Tiến hành bón lót: Mỗi hố bón từ 50- 80 kg phân chuồng hoai mục + 1kg P2O5 + 5 - 10 kg + 100g urê + 100g K2O5. Đào 1 hố nhỏ chính giữa hố trồng, đặt cây vào hố lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2 - 3 cm. Không được lấp quá sâu, trồng xong phải tưới ngay và dùng cỏ mục ủ gốc (lưu ý phải cách gốc từ 10 - 15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập). Trồng xong nên phủ gốc để chống thoát hơi nước và cỏ dại, phủ cách gốc 10cm.

Thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết nắng mưa để chống hạn hoặc chống úng cho cây. Trước khi thu hoạch 1 tháng ngừng tưới nước. Về lượng nước tưới và số lần tưới phải dựa vào khả năng giữ nước của đất, lượng bốc hơi và lượng mưa để quyết định, phương pháp tưới có thể là tưới bề mặt hoặc tưới nhỏ giọt,... mỗi lần bón phân cần phải tưới nước để phân có thể hoà tan tạo điều kiện cho cây hấp thụ tốt hơn.

Làm cỏ: Cỏ xung quanh gốc cần được nhổ sạch. Phần đường lô nên chỉ cắt cỏ để giữ ẩm, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của côn trùng có ích trong vườn cam.

Tỉa cành tạo tán: Sau khi trồng cây đã ổn định tiến hành cắt cành ngọn để tạo tán cho cây phát triển thành 3 - 4 cành cấp I theo 4 hướng, từ mỗi cành cấp I lại để 3 - 4 cành cấp II… Các cành vượt cũng thường xuyên cắt tỉa (chú ý cắt sát thân cành để tạo mô sẹo). Cành mang quả nhiều cũng cần tỉa quả để quả phát triển đồng đều.

Cam Xã Đoài.
Cam Xã Đoài.

Đối với cây trong thời kỳ ra quả, tiến hành: Cắt tỉa vụ thu được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1 (nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày. Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dầy, dị hình. Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.

Tiến hành phòng trừ các loại sâu bệnh hai cam, đặc biệt là các loại sâu như: sâu vẽ bùa, sâu đục thân, rệp hại, nhện hại; các loại bệnh phổ biến như: bệnh loét, bệnh sẹo, bệnh chảy gôm, bệnh greening.

Công đoạn thu hoạch và bảo quản

Khi quả có 1/3 - 1/2 vỏ quả chuyển màu là thu hoạch được. Khi thu hái nên dung kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ quả, gãy cành. Tiến hành phân loại, loại bỏ những quả bị sâu bệnh, dập nát, méo… trước khi đưa ra ngoài thị trường.