Vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Cà Mau tổ chức họp Hội đồng tư vấn KH&CN để thẩm định công nghệ cho Dự án sản xuất thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ phụ phẩm thủy sản, do Công ty TNHH Thương mại Nguyên Na làm chủ đầu tư.


Dự án có công suất xử lý là 240 tấn phụ phẩm cá biển/ngày, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất peptide cô đặc, biocalcium, dầu cá biển. Diện tích sử dụng đất 2,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 335 tỷ đồng, Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại Khu công nghiệp Hòa Trung, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Tại Hội đồng tư vấn KH&CN, mục tiêu của dự án được các thành viên Hội đồng ủng hộ vì phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (được quy định tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030); phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau (được quy định tại Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030); phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo nhận định chung của các thành viên Hội đồng tư vấn, công nghệ sản xuất sử dụng enzym để thủy phân có kiểm soát dịch đạm cho ra sản phẩm peptide/poly peptide là công nghệ tốt, hiệu suất cao và tiêu tốn ít năng lượng. Quy trình chế biến được xây dựng dựa theo các thông số thích hợp với nguồn enzym của công ty có uy tín trong lĩnh vực này, vì vậy sản phẩm làm ra có thể đạt chất lượng cao, giá trị tăng thêm đáng kể. Dây chuyền công nghệ vận hành hoàn toàn tự động. Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng công nghệ theo đề xuất của Dự án là tương đối thích hợp. Với dây chuyền công nghệ này, sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định.

Tất cả thiết bị trong dây chuyền công nghệ được nhập khẩu hoàn toàn từ những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Ấn Độ và Thái Lan. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao là tốt; tuy nhiên, chủ đầu tư cũng cần có giải pháp về việc thay thế thiết bị, dây chuyền công nghệ trong bảo trì, khắc phục sự cố để chủ động cho việc bảo trì, vận hành hệ thống, giảm giá thành, chi phí vận hành, bảo dưỡng và đầu tư.

Bên cạnh việc đầu tư dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất, chủ đầu tư cũng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường bằng việc có những giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đồng ý thông qua phần công nghệ Dự án sản xuất thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ phụ phẩm thủy sản công suất 240 tấn phụ phẩm cá/ngày của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Na; đồng thời, yêu cầu đơn vị thực hiện dự án bổ sung, giải trình, chỉnh sửa các góp ý theo đề nghị của các thành viên trong Hội đồng.