Cà Mau là tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, cũng là điểm đầu của giao thông biển kết nối với các nước Đông Nam Á một cách nhanh nhất. Ngoài vùng biển rộng, Cà Mau có lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy hải sản chất lượng cao.

Để tận dụng được lợi thế này, Cà Mau đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhân dịp năm mới 2017 và kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải về những định hướng và kế hoạch phát triển của Cà Mau trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông có thể cho biết điểm nhấn trong tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2016 là gì?
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải. Ảnh: VGP/Lê Anh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải. Ảnh: VGP/Lê Anh.

Ông Nguyễn Tiến Hải: Năm 2016, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế trong nước đang ở quá trình phục hồi, thêm vào đó, biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn hán nghiêm trọng, nước mặn xâm nhập sâu ở ĐBSCL... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân và tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt hơn 35.373 tỷ đồng, tăng 5,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,7 triệu đồng (so với mức 35,36 triệu đồng năm 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.165 tỷ đồng; thu ngân sách đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư; nhiều dự án, công trình quy mô lớn, trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo ở khu vực đô thị và nông thôn. Trong đó phải nhắc đến một số dự án lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi, cầu Hòa Trung, tuyến đường hành lang ven biển phía nam.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được lãnh đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được niềm tin và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp đối với những nỗ lực của các cấp chính quyền. Trong năm 2016 có 469 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.572 tỷ đồng; đã thu hút được 36 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 7.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, tỉnh Cà Mau đã đưa vào hoạt động trung tâm giải quyết thủ tục hành chính công và bộ phận tiếp nhận và giải quyết thu tục hành chính của 3 đơn vị là huyện Năm Căn, Cái Nước và TP. Cà Mau.

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Vậy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới phát triển công nghệ cao được tỉnh triển khai tới đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hải: Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, với khoảng 300.000 ha, chiếm 28% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước; diện tích nuôi tôm trên 278.000 ha, sản lượng đạt từ 150.000-170.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt từ 1-1,3 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn còn bộc lộ hạn chế, khó khăn và thiếu tính bền vững do ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, phát triển sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khó quản lý, năng suất tôm nuôi trung bình còn thấp so với khu vực và cả nước,…

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành hàng chủ lực của tỉnh là nuôi tôm, trong thời gian tới, Cà Mau tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, trang trại, đạt các tiêu chuẩn phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản để tạo các sản phẩm chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đối với ngành tôm, tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện đã triển khai có hiệu quả, như: Nuôi tôm lót bạt ứng dụng quy trình công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố siphon, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn là mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước và mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh năng suất cao, mô hình tôm thẻ ương trong ao lót bạt,...

Cà Mau cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sản xuất tôm giống, nuôi siêu thâm canh và gia hóa tôm bố mẹ như Tập đoàn Việt-Úc; Công ty cổ phần Thủy sản N.G. Việt Nam... Đồng thời đang chỉ đạo rà soát, chuẩn bị diện tích đất sạch để kêu gọi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, động viên nhân dân góp đất cùng doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả nuôi trên cùng một đơn vị diện tích nhằm hình thành một số khu vực nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Cà Mau là vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL.
Cà Mau là vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL.

Cà Mau là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại do BĐKH. Tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này nhằm biến những bất lợi thành có lợi?

Ông Nguyễn Tiến Hải: Thực tế những năm qua cho thấy, Cà Mau là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại bởi BĐKH. Điều nhận thấy rõ nhất là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; tình trạng thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, bờ sông, bờ biển bị xói lở, hệ thống rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, tài nguyên nước ngầm bị suy giảm (mực nước, chất lượng)... Chỉ tính riêng năm 2016, tỉnh đã có trên 51.000 ha lúa và trên 158.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Để ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực và từng bước thích ứng với BĐKH, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình như xây dựng chiến lược và chương trình hành động ứng phó với BĐKH cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, trên cơ sở chiến lược và chương trình hành động của ĐBSCL và của quốc gia.

Giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH, nước biển dâng để tất cả cộng đồng dân cư và các cấp chính quyền ý thức được tầm quan trọng để từ đó cùng nỗ lực hợp tác, đóng góp chung nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất.

Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sản xuất toàn tỉnh, các vùng, các tiểu vùng phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế của vùng; bảo đảm sản xuất cây, con phù hợp, có hiệu quả, năng suất và chất lượng. Đồng thời quản lý chặt quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch, không để phát sinh tình trạng tự phát sản xuất ngoài quy hoạch.

Tỉnh đặc biệt đẩy mạnh nghiên cứu lai tạo, sàng lọc ra những giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện BĐKH để khuyến cáo người dân chuyển đổi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, nâng cao khả năng dự báo, xây dựng lịch thời vụ phù hợp; khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân sản xuất đúng lịch thời vụ nhằm hạn chế thiệt hại, nâng cao năng suất, chất lượng.

Cà Mau đang hoàn thiện quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp phù hợp tình hình sản xuất hiện nay và định hướng về lâu dài của các quy hoạch hệ thống thủy lợi của vùng Bán đảo Cà Mau và vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp; đầu tư công trình tích trữ nước ngọt, hệ thống dẫn nước ngọt từ hệ thống sông Hậu Giang về tỉnh... Quản lý, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi bảo đảm tiêu thoát úng, ngăn mặn, cung cấp nước trong điều kiện cho phép phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Trân trọng cảm ơn ông!