Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam của Tổ quốc, có rừng đước và rừng tràm U Minh bạt ngàn, hội tụ những sắc màu văn hoá đa dạng, phong phú.

Trong không gian sống của lưu dân, để tồn tại với môi trường sống mới, họ phải săn bắt, trồng trọt và sử dụng nguyên vật liệu hiện có để tạo ra những công cụ săn bắt thú rừng, cá, cua, trăn, rùa, lươn… Trong các dụng cụ ấy, có thể nói trúm bắt lươn mang tính sáng tạo cao, tạo sự khác biệt, độc đáo.

Để bắt được lươn, đòi hỏi phải có cả một quá trình kinh nghiệm, từ khâu làm trúm đến khâu làm mồi nhữ lươn. Ống trúm có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau có sẵn trong thiên nhiên như: hai bẹ chuối óp lại hoặc lá dừa nước bện mịn, nhưng thường không sử dụng được lâu dài. Qua thời gian, lưu dân đã dùng nguyên liệu tre để làm ống trúm bắt lươn.

Nghề đặt trúm lươn cần được bảo tồn. Ảnh: Duy Khải.
Nghề đặt trúm lươn cần được bảo tồn. Ảnh: Duy Khải.

Ống trúm được làm từ đoạn tre dài khoảng 1,2-1,5 m, gồm 2 hoặc 3 lóng tre. Trúm thường được làm từ tre mạnh tông vì loại tre này vỏ mỏng, chắc. Đoạn tre được đục thủng, thông nhau, chừa lại mắc chót để giữ lươn khi lươn chui vào, gần đáy trúm được đục một rảnh thông hơi hay dùi 3 hoặc 4 lỗ nhỏ để khi lươn chui vào không bị chết ngộp. Điểm độc đáo là hom trúm phải được vót từ những nan tre nhỏ bện với nhau thật chặt, đầu trên bằng với miệng trúm, phần dưới hom xoắn óc túm lại để khi lươn chui vào ăn mồi thì chui ra không được.

Làm hom trúm cũng là một giai đoạn đòi hỏi sự khéo léo, hom có “êm” thì lươn mới vào, miệng ống trúm có dùi 2 lỗ xuyên xéo để khi gắn hom vào ống trúm phải dùng một cây ghim vót bằng tre xuyên qua lỗ trên miệng ống trúm giữ hom không bị tụt ra.

Dân gian có câu “Cá chết vì lưới, lươn chết vì mồi”, mồi đặt trúm quyết định bắt được lươn nhiều hay ít. Mồi cũng rất đa dạng như: cua đồng giã nhỏ, ốc giã nát hoặc cá sặt nấu chín trộn thêm hương vị thuốc để thu hút lươn như: cây bồ bồ, lá dứa, cỏ cú, rau răm, rau thơm... Sau đó, dùng những sợi năn nhỏ gói mồi lại bỏ vào ống trúm hoặc trộn bùn để nhữ lươn.

Để thuận lợi cho việc di chuyển gọn nhẹ hơn, ngày nay người ta đã sáng tạo ra trúm bằng chất liệu nhựa, nhưng hom vẫn dùng chất liệu bằng tre. Do nhu cầu tiêu thụ lươn đồng cao của thị trường, nhưng số lượng cung ứng thì thiếu, vùng nước ngọt bị mặn hoá để nuôi tôm nên nhiều địa phương đã tổ chức nuôi lươn để cung cấp theo nhu cầu. Nghề nuôi lươn ở Cà Mau từng bước được hình thành và phát triển, chủ yếu tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình…

Về dinh dưỡng thì lươn nuôi không thể sánh bằng lươn thiên nhiên nhưng ít nhiều đáp ứng được khẩu vị trong ẩm thực người dùng với rất nhiều món ngon được chế biến từ lươn như: canh chua lươn, lươn om lá nhàu, lươn xào lá lốt, cháo lươn, lươn om nấm, lươn xào sả ớt…

Đặt trúm bắt lươn là loại hình di sản văn hoá phi vật thể, chứa đựng nhiều kinh nghiệm, sáng tạo của con người vùng Cà Mau. Các bậc tiền hiền nơi đây đã biết sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên để tạo ra những công cụ độc đáo bắt các sản vật do thiên nhiên ban tặng. Đây cũng là những bức tranh đẹp của lưu dân đi khai hoang mở đất, qua đó cần có kế hoạch kiểm kê và ghi chép tri thức dân gian nghề đặt trúm bắt lươn để gìn giữ và bảo tồn, cho thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử của cha ông trong quá trình định cư của vùng đất mới Cà Mau.