Tại Cà Mau, công nghệ Đê trụ rỗng tiêu sóng của Viện Thủy Công đã đem lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ rừng phòng hộ.

Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trung bình mỗi năm mất khoảng 400ha rừng phòng hộ, trong đó hơn 100km bờ biển đang trong tình trạng báo động khẩn cấp, cần thiết phải áp dụng ngay biện pháp hỗ trợ nếu không sẽ dẫn tới vỡ đê và nhiễm mặn toàn vùng.

Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau cho biết đã huy động nhiều nhà khoa học để cùng tìm ra các giải pháp công nghệ, giúp bảo vệ rừng phòng hộ. Trong đó, bước đầu công nghệ Đê trụ rỗng tiêu sóng của Viện Thủy Công đã được áp dụng thí điểm và đem lại nhiều hiệu quả.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết cách đây vài năm tỉnh đã cho thí điểm áp dụng công nghê cọc bê tông ly tâm để ngăn sóng đánh thẳng vào bờ và rừng phòng hộ, vừa có tác dụng bẫy được phù sa để rừng phòng hộ có thể tái sinh trở lại. Biện pháp này rất có hiệu quả nhưng chi phí cho 1km hiện còn quá cao, từ 25 - 30 tỷ đồng.

Tiến sĩ Trần Văn Thái cho biết, chỉ trong 1 năm anh và đồng nghiệp đã hoàn thành công trình nghiên cứu mô hình Đê trụ rỗng triệt tiêu sóng với công nghệ cốt thanh composite, sợi thủy tinh nhằm chống xâm thực. Loại đê này không chỉ hiệu quả trong việc phá sức của sóng không cho đánh thẳng vào bờ, mà còn hiệu quả trong việc bẫy được phù sa ở lại khi cần có thể di động chuyển đến các vị trí mới để tái sinh rừng phòng hộ. Đặc biệt, nếu sản xuất đồng loạt công nghệ này giá thành chỉ bằng 1/2 giá công nghệ cũ.

Tuy nhiên, khi đề tài nghiên cứu hoàn thành, vấn đề kinh phí lại là cản trở bởi muốn sản xuất đưa vào thử nghiệm cần một khoản kinh phí vài chục tỷ đồng. Sau đó, rất may một công ty tại Cà Mau đã nhận lời hợp tác với Viện Thủy Công trong việc triển khai sản xuất thử nghiệm công nghệ này. Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn thử nghiệm công nghệ mới tại những đoạn rừng phòng hộ gần như đã mất trắng, phù sa đã tụ lại cho cây mắm tự hồi sinh.