Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, thiệt hại do bọ xít muỗi trên cây điều ở địa bàn tỉnh ước tính lên tới con số 400 tỷ đồng.

Bọ xít muỗi không chỉ tấn công điều mà còn gây hại cả cà phê, măng cụt… Ảnh minh họa

Ngoài ra, bọ xít muỗi còn gây hại trên một số cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Tổng diện tích điều bị thiệt hại 29.245 ha, trong đó 18.120 ha nhiễm nặng.

Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái khác bị thiệt hại gồm sầu riêng 2.339 ha, măng cụt 131 ha và chôm chôm 26 ha. Đến nay, dịch bọ xít muỗi trên cây điều đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, do dịch bọ xít muỗi xảy ra đúng vào thời điểm ra hoa của cây điều nên mức độ thiệt hại của dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân trong vùng ba huyện phía Nam Lâm Đồng. Sản lượng điều năm 2017 gần như mất trắng, ước tính chỉ đạt khoảng 3.000 tấn, bằng 18% so với kế hoạch.

Bọ xít muỗi là loại côn trùng di trú nên chuyển hết từ vườn này sang vườn khác, sinh đẻ nhanh nên tỉ lệ gây hại ngày càng tăng. Anh Kra Jan Đian, một nông dân trồng cà phê tại thị trấn Lạc Dương cho biết, bọ xít muỗi không chỉ gây hại cây điều mà còn tấn công cả cây cà phê. Anh Đian cho biết vườn cà phê nhà anh bị bọ xít muỗi gây hại từ tháng 10/2016, đến nay thì hầu như vườn cà phê nào có chồi non cũng đều bị.

Theo kinh nghiệm của anh Kra Jan Đian, những năm trước, đã có vườn cà phê chịu ảnh hưởng giảm đến 65 – 70% năng suất, vì thế với tình hình bọ xít muỗi gây hại như hiện nay, những người trồng cà phê như anh đang rất lo lắng.

Trước năm 2014, đối tượng chính để gây hại của bọ xít muỗi là cây chè và điều. Tuy nhiên, do thời tiết và khí hậu biến đổi, dần dà bọ xít muỗi tìm và chọn cây cà phê và một số loại cây ăn trái khác để gây hại.